Những năm qua, vấn đề nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong ngành Du lịch đã được triển khai, nhưng hiệu quả thiết thực còn thấp. Đối với những nước phát triển, khu vực dịch vụ thường chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% trong GDP, trong đó du lịch chiếm khoảng trên 10% GDP, nhưng ở nước ta khu vực dịch vụ chỉ chiếm khoảng 30% và du lịch chiếm từ 4,5 - 5% trong GDP. Nền kinh tế đất nước ta đang từng bước chuyển sang kinh tế thị trường nên lĩnh vực dịch vụ vẫn còn mới mẻ trong nhận thức cũng như trong thực tế. Chính vì vậy, nhiều loại dịch vụ chưa phát triển, vì chưa được làm rõ về bản chất, đặc điểm, nội dung, sự phân loại trong khoa học...
Hiện nay, trong lĩnh vực du lịch mới chỉ chú trọng những dịch vụ cơ bản như: lữ hành, khách sạn, vận chuyển, hướng dẫn, nhưng theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), muốn hoạt động du lịch phát huy hiệu quả cần có 75 loại dịch vụ trực tiếp phục vụ khách và trên 75 loại dịch vụ gián tiếp. Điều này đòi hỏi, để Du lịch Việt Nam phát triển cần có các công trình nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ dịch vụ nói chung và các dịch vụ du lịch nói riêng trong lý luận, trong xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp và trong việc tổ chức kinh doanh.
Mọi người thường nghĩ “Du lịch là một ngành ăn chơi” không cần đến nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ. Nhưng thực tiễn của các nước phát triển du lịch đã chỉ ra: “Muốn giàu có phải làm du lịch, muốn làm du lịch phải có trí tuệ và sức sáng tạo” và trí tuệ, sức sáng tạo này phải lấy từ các thành tựu, kết quả của công tác nghiên cứu khoa học.
Du lịch là hoạt động liên quan chặt chẽ đến con người (bao gồm cả khách, những nhà quản lý và người phục vụ khách du lịch). “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, vì thế muốn phát triển du lịch trước hết phải hiểu con người. Phải cung cấp cho khách du lịch những gì họ cần, không phải phục vụ họ những gì mình có. Khách du lịch là những người có nguồn gốc dân tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt và tiêu dùng khác nhau, nên nhu cầu của họ về các loại dịch vụ và hàng hóa cũng khác nhau. Các công trình nghiên cứu khoa học có thể chỉ ra rằng, mỗi thị trường khách (theo dân tộc, theo tuổi tác, theo giới tính, theo khả năng thanh toán…) cần gì, và ngành Du lịch Việt Nam cần làm gì để đáp ứng thông qua các sản phẩm du lịch. Nhưng sản phẩm du lịch khác với sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ của các ngành khác (y tế, giáo dục, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, thương mại…), vì nó là nhu cầu thứ hai của con người, muốn bán được những sản phẩm này phải có các điều kiện khách quan và chủ quan nhất định.
Chính vì vậy, để phát triển du lịch ở Việt Nam đòi hỏi phải xem xét một cách khách quan: thực trạng của đất nước đã đủ những điều kiện để phát triển du lịch đại chúng hay chưa, cần phải có những giải pháp gì để vượt qua những khó khăn, thách thức này nhằm phát triển du lịch một cách bền vững? (Đó cũng chính là những vấn đề được trao đổi, mạn đàm trong Tạp chí Du lịch Việt Nam – tạp chí khoa học của Ngành).
Châu Anh