Ghi nhận từ thực tế
Chính sách visa cho khách du lịch thể hiện sự coi trọng kinh tế du lịch và du khách. Chính sách visa thân thiện đồng nghĩa với việc du khách được chào đón đến quốc gia đó. Đó là nhìn nhận của Chủ tịch Lux Group Phạm Hà.
Theo ông Phạm Hà, chính sách visa của chúng ta chậm một nhịp so với mở cửa du lịch ngày 15/3. Cụ thể, du khách không thuộc 13 quốc gia miễn visa cần thêm hướng dẫn nên dẫn đến tình trạng rất khó lấy visa tại đại sứ quán. Chúng ta đã mở cửa du lịch nhưng chưa thực sự mở cửa visa. Chính sách visa của Việt Nam chưa thân thiện để cạnh tranh với các nước trong khu vực, tiêu biểu như Thái Lan. “Ngay cả những du khách thị trường mục tiêu Tây Âu của du lịch Việt Nam cũng gặp khó về visa. Cụ thể Lux Group gặp khó khăn ngay đợt khách vào đầu tiên sau ngày 15/3. Đoàn khách sau khi sang tham quan Campuchia muốn nghỉ ở biển Vũng Tàu (Việt Nam) vẫn phải xin visa lần nữa. Tuy nhiên, họ chỉ được lưu trú 15 ngày ở Việt Nam và chỉ được ra vào một lần cho diện miễn visa đơn phương. Do đó, nhiều du khách đành cắt ngắn lịch trình chuyến đi vì ngại làm visa. Việc lỡ nhịp trong chính sách visa đã làm khó du khách, doanh nghiệp và mất doanh thu cho du lịch Việt Nam. Việt Nam đang không cạnh tranh với các nước, tự làm khó mình, vì cái nhỏ mà mất đi cái lớn, lợi ích nhóm, chưa vì khách du lịch, chưa vì sự hài lòng và vì sự phát triển chung”, ông Hà bày tỏ trong luyến tiếc.
Bày tỏ về nhận định của mình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho hay, quốc gia nào có chính sách thông thoáng về thị thực nhập cảnh thì cơ hội thu hút nguồn khách quốc tế đến quốc gia đó càng nhanh và sẽ trở thành các trung tâm du lịch. Du khách không chỉ quan tâm đến mức chi phí cho thị thực nhập cảnh mà quan trọng hơn họ quan tâm tới sự thuận tiện, thời gian và sự chủ động trong việc lên kế hoạch du lịch. Vì vậy, du khách luôn có xu hướng lựa chọn các điểm đến có độ mở cao về chính sách thị thực nhập cảnh. Đề cập đến chính sách visa của Việt Nam, ông Dũng cho hay: Việt Nam đang từng bước tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chính sách thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế trước dịch COVID-19 đã từng bước thông thoáng hơn. “Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia trong khu vực, chúng ta vẫn chưa thực sự thông thoáng để thu hút đa dạng nhiều nguồn khách. Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19, xu hướng khách đi lẻ, đi theo nhóm gia đình ngày càng trở nên phổ biến hơn. Có một thực tế, bất cập lớn nhất hiện nay là khách đi lẻ rất lúng túng trong việc xin thị thực vào Việt Nam. Các công ty lữ hành không thể đứng ra bảo lãnh cho khách do khách tự đặt dịch vụ, xin thị thực online thì vẫn còn một số điều kiện đi kèm và mất thời gian. Điều này cần sớm có giải pháp để tháo gỡ”, ông Dũng cho hay.
Đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau ngày 15/3 khi Việt Nam chính thức mở cửa đón khách trở lại, thủ tục cấp visa có đơn giản hơn. Cụ thể, khách từ 13 quốc gia được đơn phương miễn thị thực; chấp nhận thị thực bằng hình thức visa điện tử (E-visa) cho 80 quốc gia đã giúp tinh giảm thời gian thủ thục cấp visa còn khoảng từ 3-5 ngày. Đây cũng là một động lực để phục hồi du lịch TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chính sách visa trong giai đoạn đầu mở cửa vẫn còn một số bất cập, nhiều thị trường tiềm năng, trọng điểm như: Úc, Đông Bắc Âu, Trung Đông… cần tập trung mở rộng nhưng vẫn chưa thể áp dụng được chính sách miễn visa. Thời gian tạm trú tại Việt Nam đối với khách quốc tế còn khá ngắn (khoảng 15 ngày) chưa đủ để đảm bảo nhu cầu du lịch đối với khách quốc tế.
Ghi nhận của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, hiện nay xu hướng khách đi du lịch đã có sự thay đổi rõ nét. Thay bằng việc có kế hoạch trước khi khởi hành từ khoảng 6 tháng trở lên thì nay chuyển dịch sang trong thời gian ngắn, tức là sẽ khởi hành ngay. Lý do là vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có thể đi được, chương trình tour hợp lý, vừa tiền là họ sẽ đi ngay. Điều này dẫn đến khách gặp khó khăn trong việc xin visa, hiện tại E-visa duyệt trong 3 ngày làm việc nên khi khách du lịch có nhu cầu cần đi gấp thì không kịp làm E-visa. “Ngoài ra, trường hợp khách quốc tế từ các thị trường được miễn visa đến TP. Hồ Chí Minh bị F0 và được điều trị tại thành phố, sau 15 ngày có kết quả âm tính muốn rời khỏi Việt Nam vì việc xin visa cũng khá mất thời gian, chi phí ăn, ở trong khi chờ duyệt visa xuất cảnh về nước. Do đó, các đơn vị lữ hành đã đề xuất giải quyết thủ tục cấp visa tại cửa khẩu sân bay cho các trường hợp này”, đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nói.
Kỳ vọng vào chủ trương của Chính phủ là không có rào cản và tạo điều kiện tốt nhất trước khi mở cửa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Phó Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, đây là cơ hội đi trước một số quốc gia như Thái Lan, Singapore… và đối tượng chính là khách Nga và Hàn Quốc - những thị trường tiềm năng nhất của Việt Nam được miễn thị thực từ 15/3. Tuy nhiên, theo ông Thái, hiện nay các chuyến bay đến Nga đã tạm dừng. Còn đối tượng khách Hàn Quốc là chính sách visa cho nhân viên điều hành tour vào Việt Nam chưa được phục hồi như trước đại dịch COVID-19. Theo quy định, các đoàn khách Hàn Quốc vào Việt Nam cần trưởng đoàn là người Hàn Quốc, nhưng đối tượng này chưa thể xin loại thị thực vào Việt Nam. Các đối tượng khách khác phải xin visa vào Việt Nam còn nhiều thủ tục chưa thuận lợi cho du khách và doanh nghiệp lữ hành.
Đề cập đến sự cần thiết của việc gia hạn thời gian và mở rộng đối tượng miễn thị thực đối với khách quốc tế, ông Thái khẳng định “đó là sự cần thiết, có thể chọn một vài thị trường trọng điểm để tránh tình trạng mở tràn lan, thiếu tập trung. Với chính sách được áp dụng như cũ chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh hiện nay, giá vé máy bay còn cao khi số lượng khách đi hai chiều còn ít”.
Cần thay đổi về chính sách visa
Từ thực tế, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch thấy rằng, để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam sau khi mở cửa, có nhiều vấn đề cần quan tâm như câu chuyện visa, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến... Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, vấn đề visa đã được đề cập từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cần thay đổi chính sách visa theo chiều cởi mở hơn nhằm cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút khách. “Chúng ta cần tận dụng tối đa ngày lưu trú của khách, cần phải tạo những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để giữ chân khách, cho họ ở lại lâu hơn, góp phần tăng nguồn thu và cũng là cơ hội quảng bá du lịch Việt Nam” – ông Bình nói.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà thì cho rằng, để thu hút khách quốc tế, cần có chính sách visa đột phá để phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, để tạo thuận lợi cho khách cần thực hiện visa thân thiện, lấy visa online dễ dàng, đơn giản hơn visa on arrival (VOA) các sân bay thực hiện đón tiếp VIP giới thiệu khách mua thêm dịch vụ cao cấp visa fast trach… du khách sẽ cảm thấy được chào đón và trả tiền khi xứng đáng. Ngay trước mắt 13 nước đã miễn visa 15 ngày/1 lần nên mở rộng lên 30 ngày, vào ra nhiều lần, miễn visa cho các thị trường mục tiêu. Cần lưu ý, visa 3 tháng, 6 tháng hay một năm để du khách hưu trí muốn an nhàn nghỉ ngơi tại Việt Nam, ở lâu hơn chi tiêu nhiều hơn.
“Chúng ta coi trọng kinh tế du lịch, khách du lịch nên trong tương lai cần miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam. Chính sách visa là đầu tiên và cụ thể nhất của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nếu Việt Nam muốn thành quốc gia du lịch”, ông Hà bày tỏ.
Đồng thời vị doanh nhân này cũng nhấn mạnh, bên cạnh các vấn đề thể chế chính sách mở cửa hút khách, hoàn thuế VAT cho khách du lịch, Việt Nam cũng cần chú trọng tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng sản phẩm, phát triển những sản phẩm đặc trưng như ngủ đêm trên du thuyền vịnh Hạ Long, du ngoạn sông Hồng, sông Mekong. Đặc biệt, cần tránh phụ thuộc vào nguồn khách như trước kia. Trong đó, chú trọng nhân lực du lịch có chất lượng và xúc tiến hiệu quả. “Khách đến Việt Nam dễ dàng, đến vui hơn, giàu cảm xúc, hài lòng hơn, đáng nhớ, khách sẽ đến nhiều hơn, quay lại thường xuyên hơn, đấy là chiến lược maketing đỉnh cao mà Việt Nam đang chưa tận dụng tốt” - Chủ tịch Lux Group bày tỏ trong luyến tiếc.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng mong muốn, “Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan nên có sự thay đổi trong chính sách thị thực nhập cảnh khách du lịch quốc tế theo 2 hướng: Mở rộng thêm chế độ miễn thị thực, miễn phí thị thực cho quốc gia và vùng lãnh thổ là các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam; có khung pháp lý thông thoáng hơn cho các nhu cầu đi khách lẻ, đi theo nhóm gia đình, khách muốn nhận thị thực tại cửa khẩu”.
Đồng quan điểm, đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, xu hướng book tour trong thời gian ngắn đang là xu thế, do đó cần phải tinh giản hơn nữa thủ tục xin visa. Cần cấp và giải quyết thủ tục visa tại sân bay cho các trường hợp khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh bị F0 và điều trị hết bệnh, muốn về nước. “Cần mở rộng miễn thị thực ngoài 13 quốc gia chẳng hạn các quốc gia Bắc Mỹ và Nam Mỹ… và chính sách E-visa cho các quốc gia khác (hiện là 80 quốc gia), mở rộng chính sách visa đơn phương và song phương đến nhiều nước. Gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ khi nhập cảnh”, đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, đến nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, việc nghiên cứu, mở r���ng đối tượng miễn thị thực đối với khách quốc tế là rất cần thiết. Việc này sẽ tạo ra một cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự quan tâm của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là một biện pháp kích cầu du lịch quốc tế rất thiết thực và hiệu quả, cần xem xét sớm nhằm t��o sự khác biệt, lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút khách quốc tế. “Cần gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 - 45 ngày; mở rộng đối tượng miễn thị thực đối với khách quốc tế như trước khi xảy ra dịch COVID-19 năm 2019; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cấp công văn nhập cảnh xuống từ 2 - 3 ngày thay vì 7 ngày như hiện tại; mở rộng đối tượng cho phép cấp thị thực điện tử ( E-visa)”, bà Giang kiến nghị.
Tuấn Sơn