(VTR) - Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05 - 06 trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận 376 lượt đối tượng nghiện ma túy, trong đó có 176 người tái nghiện (chiếm 46,8%).
Việc giảm tỷ lệ tái nghiện thông qua các chính sách nâng cao chất lượng dạy nghề, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đã được các cấp chính quyền quan tâm và đạt kết quả bước đầu. Nhưng để duy trì và phát huy hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp bền vững nhằm bảo đảm hiệu quả lâu dài..
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Đà Nẵng Nguyễn Hùng Hiệp tỷ lệ tái nghiện vẫn còn khá cao bởi nhiều nguyên nhân như: mối quan hệ phối hợp của các ngành chức năng, gia đình trong quá trình tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện cho đối tượng nhìn chung chưa thường xuyên... Ngoài ra, nhiều địa phương không trực tiếp cử cán bộ đến Trung tâm 05 - 06 nhận bàn giao người sau cai về quản lý. Có địa phương chỉ áp dụng biện pháp quản lý khi người sau cai nghiện đến khai báo. Một số nơi tuy ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nhưng không thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, không tổ chức đánh giá, phân loại hàng tháng. Ngoài ra, không ít trường hợp hết thời hạn quản lý sau cai nhưng không kịp thời công nhận tiến bộ. Việc quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai còn nhiều lúng túng, chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm cho người sau cai nghiện.
Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Đà Nẵng cũng sẽ trao đổi với công an TP. Đà Nẵng để thông báo danh sách người nghiện ma túy bị xử lý hành chính cho các địa phương và yêu cầu các địa phương áp dụng biện pháp quản lý giáo dục tại xã phường theo quy định mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính để hạn chế tái nghiện.
PV