![](/FileManager//uploads/images/Nam2013/10-2013/2(1).jpg)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhà quân sự tài ba
Võ Nguyên Giáp (sinh ngày 25/8/1911) là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946 – 1954) và chiến tranh Việt Nam (1960 – 1975). Ông tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như chiến dịch Biên giới thu đông 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), chiến dịch năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc kháng chiến và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Ông từng là một giáo viên dạy sử, nhà báo và từng giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/1/1948, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.
Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ, xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử".
Trong tác phẩm "Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam", nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay nhận xét: "Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20 và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...
Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, song vẫn liên tiếp đánh bại đế quốc Nhật, thực dân Pháp và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên tuổi và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
![](/FileManager//uploads/images/Nam2013/10-2013/3(1).jpg)
![](/FileManager//uploads/images/Nam2013/10-2013/4.jpg)
Hàng ngàn người dân đã đến nhà riêng (30 Hoàng Diệu) để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Huyền thoại bất tử
Không chỉ là một nhà quân sự tài năng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là vị tướng có nhân cách sáng ngời, được nhân dân Việt Nam và thế giới quý trọng. Ông Daniel Roussel, đạo diễn người Pháp, nguyên là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo (L'Humanité), người có 7 năm (1980 - 1986) làm phóng viên thường trú tại Việt Nam, và có nhiều cuộc phỏng vấn với Đại tướng đã viết: "Tướng Giáp không bị hình ảnh của một anh hùng quốc gia, một nhà chiến lược quân sự có tầm vóc quốc tế che khuất, ông luôn luôn tỏ ra là một con người rất đỗi bình thường".
Chiều ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào 18h09 phút, ở tuổi 103. Ngay trong đêm, nhiều hãng tin lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin Đại tướng trên vị trí nổi bật. Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: "Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối. Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh", hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá.
Được tin ngày 6/10, gia đình mở cửa để đồng bào vào dâng hương viếng Đại tướng, ngay từ tối mùng 5/10, hàng trăm người dân đã đổ về xung quanh cổng nhà số 30 Hoàng Diệu thức trắng đêm để mong được vào tỏ lòng tôn kính, tiếc thương đến Đại tướng. Những người dân ấy, chẳng ai là thân thích, là ruột thịt, nhưng cùng tới đây vì một nỗi đau chung, vì sự ngưỡng mộ với người con ưu tú nước Việt. Có những người đã lặn lội cả quãng đường vài trăm cây số để đến thắp một nén tâm nhang.
Không chỉ ở Hà Nội, tại Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều người dân đã đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy để thắp nén nhang cho vị Đại tướng đáng kính của dân tộc. Còn tại Điện Biên Phủ (Điện Biên), trên quảng trường thành phố, hàng ngàn ngọn nến đã được thắp lên để tỏ lòng thương nhớ của nhân dân với Đại tướng.
Trang Đào