Hơn 90% những công trình kiến trúc khu du lịch, khách sạn của những năm gần đây, do các tác giả nước ngoài, hoặc kiến trúc sư Việt nam thiết kế, đã truyền tải được hơi hướng thẩm mỹ Á Đông. Và đó cũng là sức hấp dẫn, là giá trị của rất nhiều những địa chỉ lưu trú du lịch hiện đại. Việc quy hoạch không gian sống thích hợp với khí hậu nhiệt đới; phong cách kiến trúc và nội thất được kết hợp nhuần nhuyễn hài hòa giữa hiện đại và truyền thống địa phương đã thu hút sự chú ý và khơi nguồn cảm xúc cho du khách nhất là những người đến từ những nền văn hóa khác.
Việc tìm tòi, phá cách nhằm hóa giải sự câu nệ cứng nhắc của bê tông trong một không gian lớn, bằng vẻ đẹp của những chi tiết hoặc đường nét dân gian được nhiều nhà thiết kế lựa chọn cho nội thất sang trọng của sảnh vào khách sạn. Đâu đó là hình thức, là bố cục quy hoạch sân vườn và các khu chức năng, rồi những chất liệu truyền thống, hay sự kết hợp màu sắc và modul của hình khối trong phòng ở hay bulgalow… Các nhà thiết kế nước ngoài hoặc kiến trúc sư trong nước đã lựa chọn cách sáng tác đồ nội thất từ mỹ cảm thuần Việt, rồi mở rộng hơn là đặc trưng Á Đông. Có thể kể đến rất nhiều những khu du lịch đã có được phong cách như vậy ở miền Trung: Hội An, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Bình Thuận…
Về màu sắc thường được sử dụng hài hòa, ít tương phản - mang đến cảm giác dịu nhẹ, an bằng cho tinh thần - là phong cách Zen cho nội thất. Phong cách Zen trong nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng thường được biểu cảm bằng những gam trầm dung dị, sự mộc mạc của chất liệu thiên nhiên. Hoặc có thể là những không gian cô đọng, giản lược hơn, tông màu sáng và an hòa nhẹ nhàng… Dường như đời sống nhiều áp lực hôm nay đã khiến cho không khí thiền trở thành lựa chọn phong cách nội thất ưu việt, được du khách hướng đến cho một kỳ nghỉ trọn vẹn của mình và người thân…
Ngôn ngữ nghệ thuật “Á đông đương đại” trong nội thất là khi ta cảm nhận được tinh thần ấy qua đường nét của đồ đạc cũng như các vật dụng trang trí. Một tác phẩm kiến trúc thành công là văn hóa dân tộc hài hòa với biểu cảm cấp tiến thẩm mỹ đương đại… Thử thách khi gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thế giới phẳng và hội nhập là thử thách đáng giá. Du lịch là hội nhập ngay trên đất nước mình. Hơn hẳn các công trình kiến trúc xã hội khác, nhiều công trình kiến trúc của dịch vụ du lịch trong những năm gần đây đã làm được điều đó một cách thành công.
Du khách đến Việt Nam, cảm nhận được hồn Việt qua những sáng tạo của các kiến trúc sư, nhà thiết kế trong không gian kiến trúc du lịch và hơn cả, còn nhận ra sự khéo léo của những đôi bàn tay nghệ nhân làng quê Việt với những làng nghề truyền thống. Biết bao những vật dụng, đồ đạc chứa đựng những giá trị thẩm mỹ ấy đã được sản xuất đơn chiếc cho riêng từng khách sạn, từng khu du lịch mới theo cách làm hoàn toàn thủ công xưa. Từ tre, từ gỗ, từ sợi, từ lá cọ, bèo tây và lụa tơ tằm… những sản phẩm nho nhỏ, dung dị ấy thành nét duyên của một nơi chốn bình yên cho người nghỉ lại – “đêm nằm bằng năm ở”.
Liên Minh