Vui xuân với người Pu Péo ở dưới chân dãy Duống Mý Tỷ giáp biên giới Việt - Trung vòi vọi (cao 1.949m so với mặt nước biển; thuộc xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), giữa mây mù vây bủa, vào cái lúc nước lạnh như đóng băng cả dòng suối treo… sẽ cho bạn một cảm giác xôn xao kỳ lạ. Nhiều chuyên gia văn hóa, môi trường - sinh thái - tộc người, họ không hiểu tại sao mà cộng đồng người nhỏ bé Pu Péo ở biên thùy xa ngái, ở hoang biệt rừng già kia người ta lại có cách nghĩ, cách làm, cách giữ rừng và cách ứng xử với nhau tuyệt vời đến thế.
“Ngày hội kỳ bí” chỉ có ở Củng Chá
Người Pu Péo đã lưu giữ, tôn vinh, quyết liệt với lời thề giữ rừng của mình. Lời thề ấy vang lên, trang trọng, thành kính giữa một rừng cây cổ thụ bên cửa rừng cấm. Cả bản Pu Péo, tất cả nam giới cùng quỳ mọp, sùng kính tạ ơn thần rừng, hứa với rừng là con sẽ giữ rừng cẩn thận. Bản Củng Chá dưới chân Duống Mý Tảy có 2 khu rừng cấm, rừng được tuyệt đối bảo vệ, mỗi cây gỗ, mỗi tán rừng được bà con coi như những sinh mạng người, những phần thân thể của chư vị thần linh đang che chở cho sự an lành của họ. Muốn ngả một cây gỗ về làm nhà, cần có cả hội đồng gia tộc, các họ tộc, xem xét thiệt hơn, xin ý kiến thần rừng.
Một năm, lần lượt hai lễ cúng rừng được bà con rạp mình tổ chức, nghi lễ hết sức cầu kỳ, đủ gà, lợn, dê, bò, đủ bao nhiêu điều kiêng kỵ nghiêm khắc và kỳ bí nhất (ví dụ, đồ cúng lễ gồm: con gà sống lông đỏ đẹp; một con lợn đực đen tuyền; 7 chén rượu xếp hàng ngang - chén giữa đội đáy một chén khác; một bát nước; một nhúm muối; 7 con ngựa giấy đen; một cái ô bằng giấy đen che lư hương được bện bằng cỏ; 7 xâu thịt tổng hợp; một bát thịt gồm thịt nạc, gan, tim, tiết, gọi là Bát Bảo hộ đất nước…).
Ông thầy cúng uy tín nhất Củng Chá tên là Củng Díu Lèng thực hiện nghi lễ. Trong một lần lạc bước vào cõi “tiên cảnh” gồm thâm u, điệp trùng rừng già giáp biên giới Việt - Trung đó, tôi đã miêu tả lễ cúng rừng của người Pu Péo trong nhật ký của mình những dòng rành mạch, chi tiết giống như thước phim quay chậm.
“Những vuông cơm tẻ giã nhuyễn, nặn thành bánh, xắt khúc được bày biện cẩn thận trong những cái nong tròn. Nhiều miếng cơm được xếp thành hàng thành lối trên lá chuối tươi. Mỗi nắm cơm tượng trưng cho một vị thần, người Pu Péo theo tín ngưỡng đa thần, thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Suối, thần Gió… Trên mỗi nắm cơm là một mẩu trứng gà luộc (quả trứng luộc, bóc vỏ, sau đó xắt ra). Dưới chân bàn thờ làm bằng trúc tươi, lót lá chuối tươi xanh có buộc hai con gà vẫn còn sống nguyên, mỗi con gà buộc dây, dây cắm vào một cái cọc. Xung quanh là bình rượu và những cái chén. Cách bàn thờ một chút, là một cái cọc khác, có buộc một con dê cái vẫn sống, lông màu đen. Chú dê cứ kêu be be liên tục. Lễ cúng bắt đầu, nó kéo dài vài tiếng đồng hồ, ông Củng Díu Lèng cứ cầm một cành trúc tươi xanh, còn nguyên cả lá loà xoà, khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ. Có lúc tay ông cầm một quả bẩu khô. Lời cúng rù rì, có lúc vang xa bay ngược lên cái triền rừng già. Lễ cúng chia làm ba giai đoạn, đoạn đầu cả con gà và con dê cái còn sống nguyên; đoạn hai, chúng đã bị đám thanh niên cắt tiết, máu me be bét; đoạn ba: gà được luộc thơm phức, dê được thui vàng ruộm. Bữa tiệc núi rừng linh đình, hoang sơ diễn ra giữa trời đất, bên bìa rừng. Những người có mặt phải ăn hết thịt, uống hết rượu ngay tại bãi cỏ xanh bìa rừng để cầu may mắn...”.
Nghi lễ “chống biến đổi khí hậu” giữa… rừng hoang!
Tên gọi của hầu hết những cánh rừng trong xã Phố Là đều đi vào bài cúng trong lễ cúng rừng, nó cụ thể, rõ ràng như… thờ cúng tổ tiên với người Kinh ở dưới xuôi vậy:
“Ơ các thần thánh tổ tiên (…)
Thần rừng Bium, rừng Hiêng
Thần rừng Kiên, rừng Kiện
Thần rừng Ruông, rừng Níe
Thần rừng Xạn, rừng Sản
Thần rừng Xân, rừng Xề
Thần núi đá trập trùng…”.
Cái mà bà con Củng Chá cầu xin ở thần rừng, nó cũng rành mạch và đầy ý nghĩa bảo tồn, sinh thái… như những chuyên gia lâm nghiệp và chống biến đổi khí hậu đang đăng đàn diễn thuyết:
“Đừng cho sét đánh xuống ruộng
Gió, đừng cho nó to
Bão, đừng cho nó lớn.
Mưa, đừng cho nó nhiều.
Nước vào ruộng, nước đủ cho lúa uống
Nắng, đừng cho hạn hán.
Thấy gió về, đẩy gió lên núi.
Thấy mưa nhiều, đuổi nước xuống khe
Thấy bão về thì quạt bão đi”.
Có lẽ, với kiến thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã từ ngàn xưa của người Pu Péo như thế này, thì ngành Kiểm lâm Việt Nam (còn quá nhiều “bất lực” trước “lâm tặc”!) cũng nên ngược miền núi đá tai mèo Đồng Văn Mèo Vạc để nhằm nghiên cứu, phát triển mô hình lễ cúng rừng / Lời thề giữ rừng, tìm ra một ý nghĩa tâm linh đích thực cho việc giữ gìn thiên nhiên - bầu sữa - tay nôi - tấm lá chắn che chở cuộc sống này. Được biết, mới đây, Kiểm lâm Hà Giang đã tính toán “nhân rộng mô hình bảo vệ rừng bằng niềm tin tâm linh và lòng nhân ái với thiên nhiên”, đúng là, cần phải thốt lên: mừng thay, ngộ nghĩnh thay. Thế mới biết, kiến thức bản địa của các tộc người cổ xưa, rất phong phú và sâu sắc, người “tiên tiến” cần có thái độ trân trọng cần thiết để phát triển.
Bài và ảnh: Hoàng Thành Sơn