Tại Hà Nội:
Chương trình “Vui xuân Canh Dần”
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Vui xuân Canh Dần” từ ngày 19 - 21/2/2010. Du khách đến Bảo tàng trong dịp này, sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc đến từ tỉnh Kon Tum; xem múa rối nước đến từ huyện Ninh Giang (Hải Dương); vẽ thư pháp, các nghệ nhân Đông Hồ (Bắc Ninh) vẽ những tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ, đặc biệt, du khách có thể tự tay vẽ những tác phẩm tranh Đông Hồ… Ngoài ra, du khách còn có dịp tham gia các trò chơi phong phú và sinh động như: pháo đất, đánh đu, kéo co, đi cà kheo, ném còn…; thưởng thức ẩm thực cổ truyền đặc sắc của người Tày (Lạng Sơn) như: lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường hun khói trên gác bếp, xôi màu, các loại bánh: cóc mò, pẻng khô, khẩu sli… và rượu men lá.
Chương trình “Xuân quê hương 2010”
Ngày 6/2/2010, tại khu di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình “Xuân quê hương 2010”. Hoạt động này còn có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và công tác ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào ở nước ngoài. Chương trình bao gồm 4 phần: lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết kiều bào và một số hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Chợ Tết truyền thống ở Hà Nội
Chợ Tết truyền thống với chủ đề "Khám phá nét xuân quê" diễn ra từ ngày 23/01 - 7/2/2010 tại Trung tâm Thương mại The Garden (Mỹ Đình - Hà Nội). Chợ Tết chọn lọc những nét tinh túy nhất của một phiên chợ quê khu vực đồng bằng Bắc bộ như: gốm sứ Bát Tràng, thêu Quất Động, lụa Hà Đông, mây tre đan Phú Vinh, tranh Đông Hồ, ô mai Hàng Đường... Người tham dự không chỉ được tham quan mua sắm tại chợ quê mà còn được các nghệ nhân làng nghề hướng dẫn cách làm sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó, chợ quê còn có các hoạt động văn hóa dân gian như: thư pháp, nặn tò he, đu tiên, đập niêu đất, pháo đất, phi tiêu bù nhìn, quăng vòng cổ vịt…
Tại TP. Hồ Chí Minh:
Chương trình "Đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội Tết 2010" sẽ diễn ra từ ngày 11 – 17/2/2010, tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình bao gồm 6 phần chính: đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Dần 2010, ngày hội bánh tét, phố tỏa sáng Tết Canh Dần, pháo hoa đêm giao thừa, door shows, window show và khoảnh khắc đón năm mới. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Dần 2010 với chủ đề “Xuân bình minh” sẽ triển khai trên suốt trục đường Nguyễn Huệ và chia thành 6 phân cảnh với những chủ đề nhỏ: vầng thái dương, xuân yêu thương, bình minh hội tụ, sức mạnh đoàn kết, góc quê hương và hướng về Thăng Long. Đặc biệt, đường hoa năm nay trang trí rất lạ mắt nhằm tạo sự mới mẻ và thuận tiện cho du khách tham quan: các tiểu cảnh hoa được sắp đặt trên cao, ở đoạn cuối của đường hoa, phía giáp bến Bạch Đằng, những con sóng hoa tạo hình tượng con rồng ngậm quả châu ngọc khổng lồ hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngày hội bánh tét: Từ ngày 9 - 10/2/2010 tại công viên văn hóa Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh) sẽ diễn ra hội thi nấu bánh tét. Ngày 12/2, tại đền tưởng niệm các vua Hùng (quận 9), bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1), sẽ diễn ra lễ dâng cúng bánh tét. Được biết, 10.000 bánh tét sẽ trao tặng các gia đình nghèo và trẻ em trong dịp này. Đến công viên văn hóa Đầm Sen trong dịp Tết năm nay, du khách sẽ được tham gia lễ hội Lì xì với không gian trang trí những tiểu cảnh ngày Tết. Nhân vật Phúc, Lộc, Thọ và gia đình Mascot của công viên văn hóa Đầm Sen sẽ giao lưu, chúc phúc và trao tặng bao lì xì cho du khách. Cũng trong khuôn khổ Lễ hội, một số hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức như: biểu diễn thuyền đăng trên hồ, live show danh hài Hoài Linh, Kiều Oanh, nhạc kịch dành cho thiếu nhi... đặc biệt, công viên chính thức giới thiệu đến du khách hai trò chơi cảm giác mạnh: Super Swing và Samba Tower.
Phố tỏa sáng Tết Canh Dần: Nhằm khai thác và giới thiệu nghệ thuật hoa đăng Việt Nam, từ ngày 29/01 – 21/2/2010, tại tuyến đường Lê Lợi và Đồng Khởi (Q.1) được trang trí hoa đăng với chủ đề: Phố tỏa sáng Tết Canh Dần. Tại cổng chào đường Lê Lợi là bốn bộ hoa đăng hoành tráng về loài hổ – linh vật của năm Canh Dần, tại cổng chào đường Đồng Khởi là bốn bộ hoa đăng về tranh Tết Việt Nam, trên cao và 2 hàng cây bên đường là những chuỗi lồng đèn hoa mai, hoa đào rực rỡ, những cụm tre bằng hoa đăng lung linh, lấp lánh.
Tại TP. Đà Nẵng:
Tết cổ truyền “5 sao”
Mong muốn đem lại cho du khách trong nước và quốc tế hương vị đặc sắc của Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam, Furama Resort Đà Nẵng tổ chức hàng loạt các hoạt động lễ hội. Du khách đến nghỉ tại Furama Resort Đà Nẵng vào dịp này sẽ được hòa trong không khí Tết cổ truyền đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Cổng chính dẫn vào tiền sảnh được trang hoàng lộng lẫy với 500 đèn lồng đỏ và 12 con giáp được đan thủ công bằng mây tre, có lắp đèn ẩn bên trong, lung linh cùng dàn đèn được kết khéo léo trên thảm cỏ luôn ngập tràn không khí ấm cúng của hương vị Tết Việt. Với chủ đề “Vườn Xuân - Vườn địa đàng”, toàn bộ khuôn viên của Furama được kiến tạo thành khung cảnh chợ quê với quán “Trà cô Lý” cùng các gánh hàng ăn dân dã truyền thống đậm đà hương vị Tết. Khung cảnh chợ quê ngày Tết còn ấn tượng hơn bởi sự tái hiện của các gian hàng với hình ảnh quen thuộc và giản dị của không khí “chợ quê”. Từ hình ảnh bà già hom hem với các công đoạn gói và luộc bánh chưng đến ông già xem bói, ông đồ viết câu đối, thư pháp, vẽ chân dung, triển lãm tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống, gian hàng làm con tò he hay nghệ nhân làng nghề nón lá, gian hàng tạc tượng đá, đèn lồng Hội An, biểu diễn nghệ thuật tranh thêu XQ. Ngoài ra, Furama Resort Đà Nẵng còn giới thiệu “Dạ tiệc mừng xuân” từ ngày 10 - 12/2/2010 với các món ăn đặc sản như: mì quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, cao lầu Hội An, hương vị phở Hà Nội nhằm giúp cho du khách có dịp hiểu thêm về tinh hoa văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Du khách còn có dịp chứng kiến tận mắt hình ảnh thật của làng quê Việt Nam: mục đồng thổi sáo trên lưng trâu gặm cỏ, thưởng thức các điệu múa Chăm và biểu diễn đàn tranh trong niềm hân hoan tưng bừng đón Tết.
Tại Nha Trang:
Để phục vụ du khách đến Nha Trang trong dịp Tết, khách sạn Yasaka Saigon Nhatrang tổ chức lễ hội bánh tét vào ngày 15 và 16/2. Lễ hội sẽ thực hiện 1.000 đòn bánh tét, trong đó có một đòn bánh tét kỷ lục dài 35m và 999 đòn bánh tét con. Lễ hội sẽ bao gồm các hoạt động như: lễ rước bánh trên đường Trần Phú từ 86 Trần Phú đến khách sạn Yasaka Saigon Nhatrang; lễ cắt bánh - lộc xuân gây quỹ từ thiện; biểu diễn trò chơi dân gian, văn nghệ, chiếu phim theo chủ đề mừng xuân…
PV