Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh cho biết: Mục đích chuyến đi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành có cơ hội khảo sát tiếp cận thực tế và tìm kiếm khả năng hợp tác với tổ chức du lịch ở các địa phương xây dựng sản phẩm mới về chương trình du lịch Tây Bắc, nhằm đưa khách phía Nam đến với vùng Tây Bắc.
Đoàn khảo sát tham quan di tích lịch sử nhà tù Sơn La
Trong 6 ngày khảo sát (từ 30/10 – 4/11/2011), đoàn tham quan nhiều địa điểm như: làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); bản Lác (Hòa Bình); nông trường chè mộc châu Mộc Châu, Thác Dải Yếm, hang Chi Đẩy, thủy điện Sơn La, nhà tù Sơn La (Sơn La); hầm Đờ Cát, tượng đài chiến thắng Điện Biên (Điện Biên Phủ); bản Nà Luồng của người dân tộc Lào, tại xã Nà Tăm, Tam Đường (Lai Châu); ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè Suối Giàng (Yên Bái)…; đồng thời, tọa đàm về phát triển du lịch với Sở VHTTDL Sơn La và Sở VHTTDL Yên Bái.
Qua chuyến khảo sát, đại diện các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh đều đánh giá cao về sự đa dạng về văn hóa các dân tộc vùng cao Tây Bắc, giá trị lịch sử qua các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc; đồng thời, là vẻ đẹp cảnh quan và sự thân thiện của con người nơi đây.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh thì để đưa du khách phía Nam đến với vùng Tây Bắc còn rất nhiều khó khăn và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy du lịch Tây Bắc phát triển.
Thứ nhất, tour từ phía Nam ra Tây Bắc là tour dài ngày với chi phí cao nên rất khó cạnh tranh với các tour đến các khu vực khác trong nước hoặc đi Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Thứ hai, nhiều sản phẩm du lịch trong vùng có tính trùng lặp vẫn chỉ là tham quan thắng cảnh, bản làng… mà chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, độc đáo để thu hút khách. Do đó, cần xây dựng những sản phẩm mang đặc trưng riêng của từng bản làng từ nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực và phong tục tập quán… để giới thiệu với du khách.
Ruộng bậc thang ở bản Thanh Sơn, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu
Thứ ba, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, nhiều địa phương chưa có hướng dẫn viên du lịch, nên việc giới thiệu về những nét đặc trưng, độc đáo của địa phương đều phụ thuộc vào hướng dẫn viên từ của doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội.
Thứ tư, đường sá liên vùng tuy đã được cải tạo và nâng cấp nhưng di chuyển còn khá khó khăn. Đoàn khảo sát cũng đã mất cả ngày để di chuyển từ Điện Biên đến Lai Châu mà không tham quan được điểm nào. Cho nên, việc đào tạo hướng dẫn viên địa phương, thuyết minh viên tại điểm và đội ngũ nhân viên làm trong các cơ sở lưu trú du lịch là việc làm cần cấp thiết hiện nay của các địa phương.
Thứ năm, cần có sự phối hợp liên ngành để phát triển du lịch và sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để nối tuyến và xây dựng sản phẩm du lịch tránh trùng lặp là rất quan trọng. Khi đoàn khảo sát đến bản Nà Luồng (dân tộc Lào), xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu có sự tháp tùng của đại diện Sở VHTTDL Lai Châu thì bị công an xã chặn lại không cho tham quan với lý do đoàn đông người và chưa có chỉ đạo của cấp trên. Sau khi tranh luận, đoàn cũng đã được “phép” vào tham quan. Nếu sự không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành địa phương thì các doanh nghiệp không thể đưa khách đến với các điểm đến trong vùng.
Thứ sáu, cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích phát triển du lịch cộng đồng, hướng dẫn người dân tại các bản làng về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và làm các sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du khách tạo nguồn thu cho đồng bào.
Tin và ảnh: Nguyễn Vũ