Liên kết để phát triển
Tọa đàm “Hợp sức cho Du lịch Việt Nam” nhấn mạnh tới vấn đề liên kết trong phát triển du lịch. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, Du lịch Việt Nam đang tiếp cận đến một ngưỡng nhiều khó khăn, vì vậy cần phải liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau, giữa nhà nước với doanh nghiệp, giữa ngành Du lịch với các ngành liên quan để ứng phó với tình hình mới nhiều thách thức .
Thời gian qua, nhiều chương trình liên kết trong phát triển du lịch đã được các địa phương tổ chức như du lịch về nguồn, con đường di sản, sông nước miệt vườn… Tuy nhiên cho đến nay, việc liên kết vẫn chưa thực sự chặt chẽ và tạo được hiệu quả như mong đợi. Tọa đàm “Hợp sức cho Du lịch Việt Nam” góp phần nhìn lại những chuỗi liên kết trong nước đã hình thành nhằm tăng chất lượng phục vụ du lịch, phát triển tuyến điểm mới; đánh giá tiềm năng du lịch từng vùng miền, phân loại sự phù hợp của các điểm đến đối với khách du lịch theo từng sở thích, lứa tuổi để đặt vấn đề chuỗi liên kết hiệu quả trong tương lai. Đồng thời, tọa đàm nêu bật lên những vấn đề các doanh nghiệp du lịch đặc biệt quan tâm hiện nay như: việc tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương cho các hãng lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ khác cùng tham gia phát triển du lịch địa phương; sự liên kết cần thiết giữa các ngành giao thông, hải quan, thương mại, viễn thông, dịch vụ sức khỏe, bảo hiểm với phát triển du lịch; sự liên kết giữa các hãng hàng không Việt Nam và hãng lữ hành trong phát triển tour trong nước, liên kết với các hãng hàng không giá rẻ; cải thiện và tổ chức lại du lịch đường sắt phục vụ tốt hơn cho các tour miền Trung, miền Bắc…
Một trong những biểu hiện liên kết trước mắt là việc tổ chức những chương trình famtrip, qua đó, các doanh nghiệp tìm kiếm những sản phẩm du lịch đặc trưng để quảng bá đến du khách hàng ngày. Đánh giá về tour du lịch Tây Bắc qua chương trình famtrip “Cung đường xanh Tây Bắc” vừa qua, nhiều đại diện doanh nghiệp đã nhận định, tour Tây Bắc đi tương đối khó khăn về giao thông và mất nhiều thời gian, điểm dừng chân, vệ sinh cho du khách còn hiếm...; do vậy các địa phương cần chú trọng hơn trong việc mở các dịch vụ phục vụ du khách như: các show diễn văn hóa truyền thống kết hợp hướng dẫn mua bán các sản phẩm sản vật của địa phương... Bên cạnh đó, do giá cả đầu vào tăng, nên giá các tour du lịch ở Việt Nam khá cao, so với tour đi Thái Lan (6 ngày khoảng 7 triệu đồng) hay tour Malaysia - Singapore (7 ngày giá cũng chỉ bằng tour đi Tây Bắc cùng thời gian), điều này các hãng lữ hành cần suy nghĩ.
Du lịch phát triển khi có sự hợp sức của tất cả các ngành, và khi du lịch phát triển sẽ kích thích các ngành cùng phát triển, đó là khẳng định của Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist - Lưu Đức Kế tại buổi tọa đàm. Cùng với các doanh nghiệp lữ hành khác, Hanoitourist luôn khắc phục, đổi mới các dịch vụ, kết hợp các cơ quan hữu quan và các địa phương điều chỉnh dịch vụ ngày một tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chuẩn bị tốt mùa du lịch Tết 2012
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch (TCDL) Phạm Lê Thảo cho biết, đến hết tháng 10/2011, Du lịch Việt Nam đón 4,8 triệu lượt khách quốc tế, và có thể lạc quan nói rằng, năm 2011 Du lịch Việt Nam sẽ đảm bảo đón khoảng 5,3 triệu lượt khách như kế hoạch đề ra. TCDL đã và đang có nhiều hoạt động, cùng với các địa phương để gắn kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài cho đến đến hết năm 2011, góp phần thu hút du khách và đón chào một mùa du lịch mới.
Đối với mùa du lịch Tết, lượng khách du lịch và khách hồi hương, thăm thân tăng cao luôn tạo nhu cầu vận chuyển cao, do đó cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, nhất là lữ hành và vận chuyển. Các doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo chất lượng và giá cả vào mùa cao điểm, bên cạnh đó cần mở rộng liên kết với các nước trong khu vực.
Nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp lữ hành ba miền Bắc - Trung - Nam rất quan tâm tới vấn đề đường hàng không. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, Du lịch Việt Nam không thể cất cánh nếu hàng không không cho cất cánh, đến nay các tour tết vẫn chưa được sắp xếp; nếu tiếp tục tăng giá vé máy bay thì không chỉ khách du lịch nội địa mà cả khách du lịch quốc tế cũng giảm. Các khách sạn cũng cần công bố giá phòng mùa cao điểm như dịp Tết và quy định mức tăng để từ đó doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, cho biết những điểm đến đã được đặt kín chỗ để doanh nghiệp lữ hành chuyển hướng xây dựng tour đi các địa điểm khác nhằm giảm tải cho các điểm đến.
Đại diện Vietnam Airlines (VNA) nhấn mạnh, các doanh nghiệp lữ hành cần chia sẻ, hợp sức với các hãng hàng không. Ngày 29 Tết âm lịch Tân Mão, Vietnam Airlines đã phục vụ 8.000 lượt khách từ TP. Hồ chí Minh đi Hà Nội, nhưng chiều Hà Nội chỉ có 3.000 khách, như vậy VNA đã trống 5000 ghế. Nếu doanh nghiệp lữ hành yêu cầu định giá hoặc giá rẻ trong dịp Tết cho chiều Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì thực sự khó khăn. Giá vé hàng không được quy định theo giá trần của nhà nước, VNA căn cứ vào đó để xác định các mức giá. VNA hiện đang hướng các công ty du lịch đưa khách vào các tuyến dịp thấp điểm, đưa ra các sản phẩm du lịch tới du khách… Dịp Tết Nhâm Thìn, VNA dành 25.000 chỗ, tuy nhiên không có cách nào đáp ứng hết toàn bộ nhu cầu cả thăm thân lẫn du lịch.
Về du lịch đường sắt, chị Phùng Thị Lý Hà – Phó Trưởng ga Hà Nội nhấn mạnh cần phải có sự kếp hợp tổng thể giữa ngành Du lịch và ngành Đường sắt, cụ thể là các doanh nghiệp lữ hành với các ga. Chị chia sẻ: ga Hà Nội đã tồn tại 100 năm nay, lượng khách ngày càng đông nên rất khó đảm bảo chất lượng dịch vụ, bên cạnh đó việc cạnh tranh giữa các hãng lữ hành cũng làm cho ga Hà Nội khó quản lý và sắp xếp. Các hãnh lữ hành cần có kế hoạch và trao đổi trực tiếp với ga trước 2 hoặc 3 tháng để ngành Đường sắt sắp xếp chỗ hoặc tổ chức các chuyến tàu riêng phục vụ du khách. Ví dụ, Vidotour có kế hoạch trong một năm, số lượng mỗi chuyến khách đi không nhiều nhưng ga Hà Nội luôn đảm bảo bố trí chỗ cho du khách.
Hướng tới mùa du lịch Tết và du lịch 2012, cần có sự hợp sức toàn diện giữa cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các doanh nghiệp du lịch; giữa các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không, vận chuyển… Anh Trương Thành Vũ, đại diện Air Mekong khẳng định, Air Mekong ủng hộ nhiệt tình để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt chú trọng hướng tới du lịch biển đảo. Air Mekong muốn kết hợp với các hãng phát triển thị trường ngách (bay đến các điểm nhỏ) như mở các đường bay ra Côn Đảo, Phú Quốc…
Hạ Tinh