Triệu Miếu được xây dựng năm 1804 là một trong năm miếu thờ quan trọng nhất của triều Nguyễn, nơi thờ ông bà Nguyễn Kim - ông tổ của 9 chúa Nguyễn.
Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu được khởi công ngày 10/6/2014. Công trình do Phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng thi công, với sự tham gia của đội ngũ các nghệ nhân và thợ lành nghề, các cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích. Sau 27 tháng thi công (hoàn thành trước kế hoạch 21 tháng với tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ (trong đó có 700.000 USD do Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ) đến nay công trình đã hoàn thành gồm các hạng mục chính như: miếu thờ (540m2), tường, cổng và sân đường (300m2).
Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu hoàn thành có ý nghĩa rất lớn đối với Quần thể di tích cố đô Huế trên bước đường tìm lại diện mạo ban đầu nói chung, và làm phong phú thêm hoạt động tế tự - thờ cúng tổ tiên của Hội đồng Nguyễn Phước Tộc Huế nói riêng. Dự án còn góp phần lưu giữ và khẳng định bản sắc văn hóa cung đình Nguyễn xưa, đồng thời tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch Hoàng cung Huế.
Cùng ngày, tại khu vực Tả Vu – Đại Nội, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức triển lãm "Huế: Một điểm đến - Năm di sản." Năm di sản bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1993), âm nhạc cung đình Việt Nam - nhã nhạc (triều Nguyễn) được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2003), mộc bản triều Nguyễn (2009), châu bản triều Nguyễn (2014) và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Triển lãm đã giới thiệu các hình ảnh về các di sản cùng một số hiện vật như phiên bản mộc bản, châu bản; các loại nhạc cụ nhã nhạc và một số công trình nghiên cứu về 5 di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn. Qua đó góp phần đem đến cho du khách một cái nhìn tổng quan về những di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới sản sinh từ vùng đất cố đô, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về những di sản quý báu của thế hệ tiền nhân.
Minh Hạnh