Có 2 thời điểm tốt nhất để du khách đến Cổ Thạch, Bình Thuận. Theo kinh nghiệm, nếu muốn có những hình ảnh đẹp đến kỳ ảo của Cổ Thạch thì nên du lịch Cổ Thạch vào tháng 3 dương lịch. Khi đó, toàn bộ những bãi đá lớn ở Cổ Thạch sẽ khoác lên mình một lớp áo rêu xanh mướt rồi dần dần đổi màu khi có ánh nắng chiếu vào, cho nên thời gian này còn được gọi là “mùa săn rêu” Cổ Thạch.
Trải dài trên một phần bãi biển của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, là bãi đá 7 màu nằm trong Khu du lịch Cổ Thạch. Đá có nhiều kích thước, hình dạng lớn nhỏ khác nhau. Bãi đá này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”.
Giữa vùng cát trắng mênh mông, sự xuất hiện của bãi đá như điểm nhấn đã kéo chân ngày càng nhiều du khách tìm đến tham quan. Bãi đá Cổ Thạch là một địa điểm tham quan thú vị khi đi du lịch Phan Thiết hay du lịch Bình Thuận. Những bãi đá của vùng biển Bình Thuận ấn tượng với vẻ lung linh như những viên ngọc nhiều màu sắc, lúc lại xù xì như những quái vật biển khổng lồ hay xanh thẳm một màu rêu phong. Bãi đá hình thành tự nhiên do tác động của thủy triều, hải lưu, nước biển.
Đá được đẩy từ lòng biển lên bờ, có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau và nhiều màu sắc: nâu, vàng, tím, trắng, xanh lam, hồng, đỏ… cùng nhiều đường vân rất đẹp. Tuy nhiên, cảnh tượng kỳ thú nhất trong năm là vào trung tuần tháng 3, khi toàn bộ đá được bao phủ một lớp rêu xanh thật đẹp và độc nhất vô nhị.
Cũng như các bãi biển khác của Bình Thuận, biển Cổ Thạch trong vắt, xanh biếc với lượng sóng vừa phải nhưng nhanh và mạnh. Biển Cổ Thạch nằm khuất giữa những vách đá muôn hình và vắng vẻ. Không có nhiều dịch vụ và rất hoang sơ, bãi biển Cổ Thạch là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch bụi ưa thích khám phá.
Sau khi khám phá bãi đá đa màu độc đáo, du khách có thể đến tham quan chùa Cổ Thạch nằm trên đồi cao 64m, là một quần thể kiến trúc Phật giáo được xây dựng dựa vào núi và hang đá nằm san sát nhau trong khu vực hơn 2.000m2.
Chùa Cổ Thạch còn được gọi là chùa Hang, tọa lạc gần bờ biển xã Bình Thạnh, ẩn mình trong hang động tự nhiên với cảnh non nước hữu tình. Chùa được xây dựng năm 1835–1836 trên khu đồi núi thấp, nép mình vào bên trong hang đá. Thời vua Thiệu Trị, chùa được cải tạo từ vẻ hoang sơ ban đầu, biến thành một nơi rộng hơn về không gian và tinh xảo trong nghệ thuật, được lưu giữ hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Ở đây có rất nhiều khối đá hình thù kỳ lạ như con cóc, bàn tay Phật, hay người mẹ hôn con.
Trong chuyến đi khám phá mảnh đất Tuy Phong, du khách còn được chiêm ngưỡng cánh đồng điện gió độc đáo đầu tiên có quy mô lớn nhất Việt Nam. Những khi gió thổi qua sẽ là lúc những cánh quạt khổng lồ quay giữa cánh đồng, khiến cho những ai lần đầu ngắm nhìn đều cảm thấy thích thú và bị cuốn hút, mê hoặc. Những trụ phong điện nổi bật thấy được ngay trên đường quốc lộ 1 là cách để xác định mảnh đất Tuy Phong bởi nơi đây bốn bề thoáng rộng và mênh mông biển xanh, cát trắng. Những trụ phong điện này vẫn được gọi vui là cối xay gió với ba cánh quạt khổng lồ, cao 85m, nặng gần 200 tấn, mỗi cánh dài 37,5m.
Không chỉ có biển, đến Tuy Phong, du khách còn có dịp tham quan những vườn nho trĩu quả. Tập trung nhiều nhất ở xã Phước Thể, nhà vườn trồng nho ở đây chưa phát triển thành điểm tham quan du lịch nên bạn chỉ cần xin phép chủ vườn là có thể thoải mái dạo chơi dưới tán lá xanh mát.
Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé vào thăm những đồng muối trắng tinh, cùng diêm dân khám phá nghề làm muối truyền thống ở những vùng ven biển hoặc bước vào những vườn nho xanh mát, đắm chìm trong không gian xanh tươi nơi ấy và thưởng thức những quả nho chín mọng nước. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể dạo chơi bên hồ Đá Bạc, khám phá Cù Lao Câu hoặc trekking trên cung đường tuyệt đẹp ở xã Phan Dũng hay tắm bùn khoáng thư giãn ở xã Vĩnh Hảo.
MT