1. Tình cờ, một lần vào Mường Tè (tỉnh Lai Châu), một ông cụ già ngồi uống rượu với tôi, rồi ông nôn nao kể về những ngày ông liều mình cưỡi ngựa vào ngã ba biên giới. Ở đó, đàn hổ đã ăn thịt mất con tuấn mã tuyệt đẹp của ông. Ở đó, có khe Hai Bà Cháu ngay trước cửa đồn biên phòng 409 Leng Su Sìn, nơi có hai bà cháu cũng bị hổ ăn thịt. Ở đó, có dốc Mai Lình, nơi ông Mai Lình (nay vẫn sống) đã kịch chiến với con gấu hoang khổng lồ rồi chiến thắng. Ở đó, có quả đồi ông Bôn – đặt theo tên anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn (nay đang sống ở Hải Phòng). Ở đó, có đồn biên phòng hiếm hoi (tôi nghĩ là duy nhất) ở Việt Nam có dựng tượng đồng đội mình, rồi lập bát nhang tưởng nhớ. Người được dựng tượng là liệt sỹ công an vũ trang đầu tiên của Việt Nam, anh hùng Trần Văn Thọ. Ông Thọ đang mang tên một ngọn núi thiêng, ông đã được bà con tôn thờ, vì ông đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho biên cương này. Sách giáo khoa của nước ta, một thời có dạy về ông Bôn và ông Thọ.
Ông già ấy thở dài, một vùng núi rừng hoang rậm, nhiều cái giữ kỷ lục ở nước mình, nhưng đường đến đó cực kỳ khó khăn. Từ nay đến cuối đời, chắc chắn ông không thể đến thăm một lần nào nữa. Ông không quên ngăn cản tôi không nên dấn thân vào đó, khi chưa thật sự sẵn sàng làm các việc sau đây: sức khỏe ổn định, luyện tập leo cầu thang nhà cao tầng cho quen chân, mua bản đồ nghiên cứu địa hình A Pa Chải, đặt các mối quan hệ xin phép lực lượng bảo vệ vùng biên, tìm người dẫn đường thật chu đáo.
2. Sau 700km xuất phát từ Hà Nội, đi bằng đủ các phương tiện, hành trình của chuyến leo núi dài nhất trong đời mà tôi từng gặp bắt đầu. Anh em biên phòng, công an Điện Biên, giắt vào người tôi đủ các loại giấy tờ, dấu triện đàng hoàng, đề phòng tôi lạc đường sang Lào hay sang Trung Quốc.
Đi một ngày đường, đã thấy chân mình tóe máu. Tôi ao ước, giá có thể đi bằng tay, khi mà chân không còn lê nổi nữa. Tôi ao ước mình có cái chong chóng tre gắn lên đầu như Đô-rê-mon, tôi nhớ đến ông Tôn Ngộ Không với phép Cân đẩu vân lộn một vòng bay được những một vạn tám nghìn dặm. Nếu không đi thì nằm lại giữa rừng đêm, có thể bị hoang thú tấn công. Phải đi, thì mới có bản làng ngủ nhờ, ăn nhờ chứ. Cứ thế, 14 ngày đi trong rừng rậm, qua những con suối dài miên man, nước suối ăn bợt bạt đôi bàn chân tôi, vắt cắn tứ bề, máu chảy lêu lao. Mồ hôi bị vắt kiệt, cảm giác muốn kêu lên đau đớn: “tôi ơi, tôi có còn là tôi nữa không”.
Bù lại, thiên nhiên đã dạy tôi những bài học để đời. Tôi thổn thức với những rừng hoa trắng tinh khôi, đi cả ngày không dứt cái màu trắng ấy. Những triền rừng đỏ ối hoa trạng nguyên, hoa vông, hoa gạo. Những cánh rừng trùm phủ kín cả các vòm trời, lớp lá mục khô, thơm, ngập đến đầu gối người đi rừng. Thiên nhiên hoang dã mà khốc liệt. Ông Chang Gố Chừ sống bên khe Hai Bà Cháu mà nhớ thương mẹ mình cùng cô con gái bị hổ ăn thịt. Ở đó, nước mằn mặn, những tảng đá nhẵn thín như lưỡi một con quái vật khổng lồ đang lè ra. Đá và nước ấy có chất muối, muôn đời qua, muông thú vẫn ra đó liếm đá và uống nước. Thợ săn vớ bẫm, hổ ăn thịt người, gấu tát chết người cũng vì những miền mặn muối như thế. Bố vợ của anh Lỳ Hà Xá (phó bản) vừa bị gấu tát chết, mộ còn chưa xanh cỏ khi tôi đến dòng Nậm Ma thăm viếng. Con cầy bay kêu như đứa trẻ khóc đêm đêm. Con nai tác oan khiên trong chiều muộn. Sáng ra, con hoẵng thơ ngây ngoắc cái “sừng” lên khỏi triền cỏ tranh Tá Miếu, cứ như con gà trống đang kiếm ăn ở ven đô xứ Đoài quê tôi. Con gái Hà Nhì ne nép tắm suối, a nhí a cồ (anh và em) lí lơ đằm thắm, trang phục của các a nhí a pa (em gái, các mẹ) như trỉa lấy những sắc màu quyến rũ nhất của núi rừng biên cương. Thiên nhiên khốc liệt và diễm tình thấm vào tôi, ngọt lịm.
Đi mấy ngày trời, vẫn một màu hoa cúc quỳ vàng mê dại ven suối ầm ào đá tảng. Bên suối Nhù Hồ, khu Đại Miếu thiêng liêng, tết đến người ta giết một con trâu đen, một con trâu trắng tế trời đất. Người giáp biên của ba quốc gia cùng ăn chung một bữa tiệc núi. Tôi đi đúng lễ “cấm bản”, suốt 3 ngày không ai được mở phom cổng dựng bằng thân cây gạo tua tủa gai ra. Sừng Sừng Khai bảo: phải ở lại bản uống rượu, chung vui. Ngoài cổng, treo cả đầu lợn, đầu dê, đầu gà còn ướt lông, nhểu máu. Treo để dọa trừ tà ma.
3. Trở về, tôi viết một cuốn sách (đã in) xung quanh miền rừng có quá nhiều chuyện “khó tin nhưng có thật” đó. Tôi vẫn đều đặn trở lại, vẫn gắn bó với từng phận người nơi đó. Dần dà, tôi nhận ra: hoang sơ đã làm thay đổi tôi, đã ám ảnh tôi. Tôi đã trực tiếp đi nhiều ngày thực hiện “Nối vòng tay lớn”, vận động hàng tỷ đồng cho Tây Bắc. Đôi lúc nghĩ, những cố gắng của tôi, nếu đem lại kết quả nhỏ nhoi nào cho Tây Bắc, đều là vì chuyến đi “một mất một còn” để thấy cái giá của sự hoang sơ năm trước.
Đỗ Doãn Hoàng
(Tạp chí Du lịch)