Đặc sắc chợ tình Bảo Lạc
Chợ tình vốn là một nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc vùng cao phía Bắc, cũng không còn xa lạ với du khách thập phương. Đồng bào các dân tộc đến chợ tình ngày nay không chỉ để mua bán mà còn gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ. Họ uống cùng nhau chén rượu nồng, nhớ về một đoạn tình cảm đã qua; trao nhau những khúc hát ân tình say đắm, hẹn ước và gửi gắm tín vật tình yêu… Chợ tình ở Bảo Lạc cũng vậy, nằm trên một con phố giữa trung tâm thị trấn với địa hình tựa như lòng chảo, một bên là dãy nhà nhỏ dựa vào vách núi, một bên là dòng sông Gâm uốn lượn hiền hòa. Điểm khác biệt là chợ tình Bảo Lạc một năm họp 2 phiên, vào ngày 30/3 âm lịch và 15/8 âm lịch hàng năm.
Vào ngày trước phiên chợ 30/3, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Lô Lô, Dao Đỏ, Sán Chỉ, Mông… từ khắp các bản làng xa xôi quanh vùng đã náo nức kéo về dự phiên chợ. Từng người, từng đôi, từng nhóm... đủ cả, họ không nề hà xa xôi, vượt qua những nẻo đường dốc, con suối, ngọn đồi với tâm trạng phơi phới đến nơi hò hẹn. Họ uống rượu, ca hát, mua sắm như đi dự một ngày hội đúng nghĩa cho đến tận chiều hôm sau. Không gian chợ tình trở nên thơ mộng hơn khi màn đêm buông xuống. Từng nhóm đồng bào dân tộc, trai, gái quây quần, hát những câu hát sli, hát lượn, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người; tiếng sáo, tiếng khèn du dương trầm bổng mời gọi bạn tình da diết... Những chàng trai hân hoan diện quần áo mới, những cô gái sặc sỡ váy hoa e thẹn… Một không khí hân hoan, hồi hộp xen lẫn tâm trạng những người đến phiên chợ, như chờ đợi một thời khắc thiêng liêng được sống đúng với tình cảm trong lòng mỗi người... Qua các điệu hát đối đáp giao duyên, điệu múa, tiếng khèn và những phong tục tập quán riêng biệt (hoạt động hát đối đáp của dân tộc Sán Chỉ; trao giày vải của dân tộc Tày, Nùng; tục trao khăn của dân tộc Dao Đỏ; tục kéo dây quai túi của dân tộc Lô Lô; múa khèn, kèn lá, hát đối đáp của dân tộc Mông); những ánh mắt chứa chan tình cảm đã xác định các chàng trai, cô gái đã “cùng chấm được người thương”, rủ nhau đến những không gian riêng tư hơn để tâm tình và hẹn nhau gặp lại trong chợ tình ngày 15/8 âm lịch.
Trong những người, những đôi, những nhóm ấy, có những người đã ở tuổi xế chiều; họ đến dự chợ phiên chỉ mong gặp lại người xưa, để hỏi nhau về cuộc sống hiện tại có hạnh phúc không, có mạnh khỏe không? Có những người đi chợ tình chỉ như một lần đi hội, để gặp bạn bè, cùng nhau uống chén rượu sau những mùa nương rẫy nhọc nhằn; họ đốt lửa tâm sự, nhảy múa, uống rượu rồi hát suốt đêm đến sáng không biết mệt. Hay có những chàng trai, cô gái trẻ tụ hội từng nhóm theo từng dân tộc, diện những bộ trang phục hoa văn rực rỡ… Họ cùng vui những điệu dân vũ trong tiếng khèn, như muốn níu chân người đi, kẻ ở; họ tìm hiểu, bén duyên nhau cũng ở phiên chợ tình ấy.
Nếu như phiên chợ ngày 30/3 các đôi trai gái chủ yếu quan sát, tìm kiếm “một nửa” của mình thì phiên chợ ngày 15/8 là ngày hẹn hò. Những chàng trai, cô gái đã mến nhau từ phiên chợ 30/3 sẽ cùng hẹn nhau xuống chợ. Họ tâm sự, trao tặng nhau những món quà, những đôi giày tự tay làm; hay những phong bánh khảo nhân tàu xa gói vuông vắn bằng giấy xanh, đỏ.
Tái hiện bản sắc văn hóa cộng đồng
Giống như các phiên chợ khác trong năm, chợ tình “phong lưu” Bảo Lạc cũng có nhiều món ẩm thực và sản vật quý hiếm. Đó là hương vị của thịt treo gác bếp, thịt lợn khô, lạp sườn hun khói đậm đà, thịt chua lạ miệng, rượu ngô ủ men lá thơm nồng nàn, quyện với xôi nếp nương mềm dẻo, bánh ngô, bánh trứng ngon lành… Mặt hàng bán chạy nhất trong ngày phiên chợ là bánh hình mặt trăng và bánh khảo nhân tàu xá gói vuông vắn bằng giấy xanh, đỏ. Phiên chợ ngày nay không chỉ mang ý nghĩa nguyên bản là nơi hò hẹn, trao duyên của các đôi trai gái dân tộc bản địa mà còn là dịp để du khách khám phá, trải nghiệm nét văn hóa riêng có, để cảm nhận không khí tất bật, náo nhiệt của một phiên chợ vùng cao, nổi bật với các loại sản vật, ẩm thực đặc trưng các dân tộc.
Đến với chợ tình “phong lưu” Bảo Lạc, du khách sẽ được tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của nhân dân các dân tộc quanh vùng; được trải nghiệm các trò chơi dân gian (tung còn, đẩy gậy, cờ người…) rất thú vị, hào hứng, cùng những làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc tạo nên một không gian văn hóa đầy màu sắc. Điều đáng ghi nhận là sự khác biệt của chợ tình “phong lưu” Bảo Lạc, là phiên chợ thể hiện đậm bản chất văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa, qua những cách thức trao duyên khác nhau. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà, chợ tình Bảo Lạc được tổ chức hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái hiện những giá trị đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc huyện Bảo Lạc. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mang đậm tính nhân văn; bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quảng bá hình ảnh đất và người, văn hóa đặc trưng của huyện Bảo Lạc với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân cũng đổi thay hơn trước. Chợ tình “phong lưu” huyện Bảo Lạc dù cách thức có thay đổi, vẫn giữ nguyên trong đó quan niệm nhân văn sâu sắc, cùng những giá trị văn hóa và phong tục tập quán vô cùng độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Khách từ mọi miền tổ quốc về Bảo Lạc đúng phiên chợ tình sẽ có những cảm nhận rất đặc biệt, hòa cùng với đồng bào nơi đây những phút giây xao xuyến, những dư âm khó có thể nào mờ phai trong ký ức.
Từ trang phục và đồ dùng của các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…, sản phẩm dệt của dân tộc Tày, Nùng; đến các loại đặc sản, dược liệu như hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, măng bào, thịt lợn chua, thịt lợn đen xông khói, gạo nếp thơm của những vùng đất nổi tiếng Đồng Mu, Khánh Xuân, gạo nếp nương của dân tộc Sán Chỉ; các loại bánh khảo nhân “tàu xá”, bánh cao lù, cao bông… được làm thủ công từ những nguyên liệu đặc trưng của địa phương.
Thanh Hoàng