Ngày nay, dấu tích ca trù còn được lưu giữ ở nhiều vùng Bắc Bộ. Tại Hải Phòng, Thủy Nguyên được biết đến như một cái nôi hát ca trù của vùng duyên hải Bắc Bộ. Vào thời điểm hưng thịnh, hát ca trù được coi là nghề kiếm sống cho hàng trăm người dân ở Đông Môn (xã Hòa Bình). Dấu ấn rõ nét nhất của nghệ thuật hát ca trù trên đất Thái Bình hiện còn tại đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương). Nơi đây đang lưu giữ một cuốn sách cổ ghi chép bằng chữ Hán, trong đó có một bài tế Tổ nghề ca công và 8 bài tế Thánh bằng ca trù. Cũng theo một số ghi chép, hội đền Đồng Xâm xưa thường được tổ chức khá quy mô. Các giáo phường trong tỉnh dù đi lưu diễn ở tỉnh ngoài, nhưng đến ngày hội của đền đều cử những ca nương đàn hay, hát giỏi nhất về hát chầu Thánh, gọi là tục chầu cử. Ở Nam Định, nghệ thuật ca trù gắn liền với tên tuổi của các đào nương đã vang danh sử sách cũng như phong trào diễn xướng của loại hình nghệ thuật độc đáo này tại các làng quê trong tỉnh. Thế kỷ 18, nghệ thuật ca trù phát triển mạnh tại xã Hồng Thuận, Nghĩa Thắng, Đồng Sơn… Hiện nay, thôn Thanh Tương (Bắc Ninh) vẫn còn nhà thờ tổ của dòng họ Nguyễn vốn có truyền thống hát ca trù và cố nghệ nhân Nguyễn Thị Thủy hồi trẻ từng đạt giải trong cuộc thi hát “Ca kép phượng” thời Pháp thuộc...
Sau một thời gian dài bị mai một, những năm gần đây ca trù được phục hồi và phát triển khá mạnh mẽ tại nhiều địa phương miền Bắc. Ngày nay, du khách có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ca trù có thể tìm đến những địa chỉ du lịch văn hóa tại Hà Nội (như Câu lạc bộ ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội, Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ ca trù Thái Hà…) và một số tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Câu lạc bộ ca trù Thăng Long tọa lạc tại 28 Hàng Buồm (đền Quan Đế), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháng 8/2006, nghệ nhân Phạm Thị Huệ cùng hai người thầy của mình là hai nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc thành lập nhóm ca trù người Việt (nay đổi tên thành Câu lạc bộ ca trù Thăng Long). Đặc biệt, tháng 10/2010, Câu lạc bộ ca trù Thăng Long tham gia tích cực trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và kết hợp cùng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức biểu diễn tại 28 Hàng Buồm vào tối thứ 7 hàng tuần. Để duy trì được hoạt động này, giáo phường thu phí những đêm diễn, riêng đối với sinh viên và người hưu trí miễn phí hoàn toàn. Hoạt động này đã mang lại nhiều hy vọng cho ca trù trở lại với đời sống xã hội ngày nay. Từ ngày 11/9/2011, ngoài điểm biểu diễn trên, Câu lạc bộ ca trù Thăng Long đã mở thêm một điểm biểu diễn ca trù hàng đêm tại nhà cổ 87 Mã Mây. Hai điểm biểu diễn cố định và thường xuyên có khán giả nói chung và du khách nói riêng đã hình thành những điểm dừng chân thú vị với du khách khi đến Hà Nội, đặc biệt với du khách nước ngoài.
Câu lạc bộ ca trù Hà Nội tại đình Kim Ngân, số 42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, do nghệ sĩ Bạch Vân sáng lập. Hiện nay, vào 20h thứ 7 hàng tuần, Câu lạc bộ Ca trù lại mở cửa đón du khách trong và ngoài nước tới thường thức ca trù ngay giữa phố cổ Hà Nội, tại điểm tham quan được coi là “linh hồn” của phố cổ và được rất nhiều du khách yêu thích - đền Kim Ngân, nơi thờ phụng ông tồ nghề chạm bạc. Ngoài ra, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội còn có một địa điểm sinh hoạt hàng tháng tại Bích Câu đạo quán (14 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội). Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu và biểu diễn của những nghệ nhân và người hâm mộ ca trù của Hà Nội, nhưng trong tương lai khi nghệ thuật ca trù tiếp tục thu hút được sự quan tâm của người dân rất có thể đây sẽ trở thành một điểm biểu diễn chuyên nghiệp, thường xuyên mở cửa đón khán giả và du khách.
Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long nằm tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm. Trung tâm này là địa chỉ đầu tiên và duy nhất hiện nay tổ chức biểu diễn ca trù chuyên nghiệp với phòng diễn đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhưng không làm mất đi nét văn hóa Việt và không gian trang trọng, tôn quý của ca trù. Một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động của trung tâm dành để đào tạo cho những người có khả năng theo học ca trù; phần còn dùng để đào tạo, dạy nghề cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi. Đây cũng được coi là nhà hát đầu tiên của ca trù sau nhiều thế kỷ tồn tại của loại hình nghệ thuật mang tính bác học này.
Tại Hà Nội, du khách cũng có thể thưởng thức nghệ thuật ca trù tại Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh), Câu lạc bộ ca trù thôn Chanh (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên), Câu lạc bộ ca trù Thái Hà (Thụy Khuê, Tây Hồ), Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ (Chương Mỹ)...
Ngoài Hà Nội, ngành Du lịch có thể khai thác sản phẩm du lịch này tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ninh Bình có Câu lạc bộ ca trù tại đền thờ Nguyễn Công Trứ và Câu lạc bộ ca trù Cố Viên Lầu. Tại Hải Phòng, Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đặt trụ sở tại đình Hàng Kênh, có lịch tập luyện và biểu diễn hàng tuần giữa các nghệ nhân, vào thứ bảy của tuần cuối tháng có tổ chức biểu diễn cho khách nghe; câu lạc bộ ca trù Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên cũng là một câu lạc bộ có tiếng. Thái Bình có Câu lạc bộ ca trù thành phố Thái Bình, Câu lạc bộ ca trù xã Bình Định (huyện Kiến Xương).
Nghệ thuật Ca trù tại các tỉnh đồng băng sông Hồng đang dần trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút du khách trong và ngoài nước. Việc khai thác nghệ thuật ca trù nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống nói chung trong kinh doanh du lịch là rất cần thiết nhằm mục đích vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị vốn có vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng - ThS. Trần Thị Huyền
(Tạp chí Du lịch)