Thời gian khai quật từ ngày 1/12/2015 đến ngày 30/1/2016, trên diện tích 100m². Chủ trì khai quật là ông Đặng Hồng Sơn, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét quyết định giao những hiện vật đó cho bảo tàng công lập có chức năng thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị.
Được biết, từ đầu những năm 1970 trở lại đây, giới sử học và khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ học tại Luy Lâu. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, Luy Lâu là khu di tích khảo cổ học thời Bắc thuộc có quy mô rộng lớn nhất (hàng mấy chục vạn mét vuông) với số lượng di tích phong phú nhất ở nước ta hiện nay.
Luy Lâu được các chuyên gia xác định là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa tiền thân của Đại La và Thăng Long sau này. Vì vậy, đây là một khu di tích, khảo cổ học vô cùng quan trọng mà phát hiện quan trọng nhất gần đây là việc tìm thấy khuôn đúc trống đồng. Năm 1999, Bắc Ninh đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ di tích với hơn 100.000m².
Nguồn: baochinhphu.vn