Năm Du lịch quốc gia 2015 – Thanh Hóa đã quy tụ 15 tỉnh, thành phố có di sản thế giới trong cả nước tham gia, bao gồm 64 hoạt động, trong đó 17 hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Thanh Hóa (Liên hoan di sản thế giới, Triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước trong năm và kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng, các sự kiện thể thao cấp quốc gia và quốc tế; Liên hoan “Câu hò nối những dòng sông” các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng, Liên hoan ẩm thực các tỉnh/thành có Di sản thế giới, Hành trình kết nối các Di sản thế giới); 21 hoạt động do tỉnh Thanh Hóa chủ trì (Lễ Khai mạc và Bế mạc – Tổng kết Năm Du lịch quốc gia 2015 – Thanh Hóa, Lễ kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng, Trại sáng tác điêu khắc đá quốc tế, Lễ hội du lịch biển) và 26 hoạt động do các tỉnh, thành trong nước tổ chức (Lễ hội đền Hùng năm 2015 – Phú Thọ, Kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới, Lễ hội đền Cổ Loa (Hà Nội); Chương trình Caraval Hạ Long 2015, Chương trình lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)...). Các chương trình, hoạt động trong NDLQG 2015 được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đã góp phần quan trọng làm nổi bật vẻ đẹp, tiềm năng, lợi thế Du lịch xứ Thanh. Các tour tuyến du lịch đặc sắc được thiết kế phù hợp với thế mạnh của Du lịch xứ Thanh cũng như các địa phương có di sản thế giới trong cả nước, tạo sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
NDLQG 2015 đã góp phần quan trọng giúp Du lịch Thanh Hóa đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra: đón 5.500.000 lượt khách du lịch, trong đó, khách du lịch quốc tế là 125.000 lượt khách; tổng thu du lịch đạt 5.175 tỷ đồng. Sở dĩ đạt được kết quả trên là do có sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn, quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, của UBND tỉnh Thanh Hóa, sự đồng thuận của các tổ chức, đơn vị và nhân dân trong tỉnh cũng như sự hưởng ứng tích cực của các địa phương trong cả nước.
Với Thanh Hóa, NDLQG 2015 là cơ hội để tỉnh tập trung thu hút đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số khu di tích lịch sử trọng điểm như Chính điện Lam Kinh, đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ Hàm Rồng, nhà trưng bày Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đường nội bộ khu di tích lịch sử Lam Kinh, cổng Nam và cổng Bắc khu Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ… Nhiều dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cũng được gấp rút hoàn thiện trong NDLQG. Tính riêng năm 2015, toàn tỉnh có trên 20 dự án kinh doanh du lịch được triển khai với tổng vốn đăng ký gần 8.000 tỷ đồng, trong đó phải kể đến dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC (5 sao); Khách sạn nghỉ dưỡng Nghi Sơn – Tĩnh Gia, khách sạn Dragon Sea (4 sao), khách sạn Mường Thanh (4 sao), khách sạn Phượng hoàng (3 sao)…
Bên cạnh việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch có thế mạnh là nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa tâm linh, trong NDLQG tỉnh Thanh Hóa còn lựa chọn và đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch hấp dẫn khác như: du lịch cộng đồng sinh thái văn hóa miền núi tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu; tuyến du lịch sông Mã, làng du lịch cộng đồng Năng Cát (xã Trí nang, huyện Lang Chánh), mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai rầm rộ và liên tục với nhiều hình thức… Tất cả đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa và có giá trị cộng hưởng làm nên thành công cho các sự kiện trong khuôn khổ NDLQG 2015.
Có thể nói, NDLQG 2015 đã tạo động lực phát triển có tính đột phá cho Du lịch Thanh Hóa, thúc đẩy việc liên kết phát triển du lịch của các tỉnh có di sản nói riêng, các tỉnh/thành trong cả nước nói chung, phát huy tốt lợi thế của vùng đất văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Hải Yến