Phát biểu khai mạc trưng bày, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ, thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn góp phần giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do... để từ đó góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Với hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn, trưng bày thể hiện qua 2 chủ đề: Sức mạnh dân tộc và Ngày Độc lập 2/9.
Ở phần 1, Sức mạnh dân tộc tập trung giới thiệu những nội dung như: Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước ngày 28/1/1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, tháng 5/1941 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước của dân tộc để xây dựng khối đoàn kết toàn dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng…
Trong phần trưng bày này, công chúng có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu rõ hơn về lịch sử cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta qua một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu như: Sưu tập Nghị quyết, văn kiện của Trung ương Đảng; sưu tập báo chí, truyền đơn của Đảng; sưu tập vũ khí nhân dân sử dụng trong Cách mạng tháng Tám; sưu tập cờ sử dụng trong Cách mạng tháng Tám; sưu tập hiện vật nhân dân ủng hộ cách mạng trong Cách mạng tháng Tám.
Đó là bản trích Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8/1945 "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta".
Phần 2: Ngày Độc lập 2/9 gồm những hiện vật, tài liệu thể hiện sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành quả của Cách mạng tháng Tám: Nhà nước dân chủ nhân dân; Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946; Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946; và ký ức về ngày Độc lập - qua những câu chuyện kể, hồi ức của các nhân chứng lịch sử.
Bên cạnh những hình ảnh đã quen thuộc với công chúng như: Bản Tuyên ngôn độc lập; Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn Độc lập"; bộ quần áo kaki, một trong những bộ quần áo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc trong những ngày đầu cách mạng sau khi giành được chính quyền… nhiều hình ảnh mới được triển lãm như micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945; Sổ tay ghi công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi công việc hàng ngày của Người từ 2/9/1945 đến 17/10/1945 (bản viết tay); Sổ ghi thông tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi những thông tin chi tiết, năm 1945.
Cùng với đó là những hình ảnh, hiện vật của đất nước Việt Nam khi mới thành lập như: Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9/11/1946; Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944 (Bản viết tay năm 1994, có chữ ký của tác giả tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia); Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được phát hành và lưu thông để khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính của nhà nước Việt Nam độc lập.
Trưng bày được tổ chức từ ngày 18/8/2020 đến hết tháng 12/2020 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
TT