Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: 500 hiện vật được trưng bày nằm trong số hàng chục ngàn các hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang quản lý và nằm trong số hàng trăm ngàn hiện vật được khai quật trong gần 30 năm qua tại biển Đông. Các hiện vật được khai quật từ 6 con tàu đắm với niên đại từ thế kỷ 13 - 18 đã chứng minh một phần cơ bản rằng với tư cách là một quốc gia biển, Việt Nam tham gia rất sớm vào “con đường tơ lụa” - con đường thương mại trên biển Đông.
Trưng bày được thể hiện trên toàn bộ diện tích hiện có của Bảo tàng với trên 500m2 giới thiệu một cách bài bản về việc hình thành con đường thương mại trên biển cũng như các bộ sưu tập gốm sứ được khai quật tại biển Đông, với 4 nội dung chính: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển; Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam. Trong đó, dành tỷ lệ lớn giới thiệu gốm sứ tàu Cù Lao Chàm - con tàu duy nhất trong 6 con tàu đắm được khai quật có khối lượng lớn gốm sứ Việt Nam - bên cạnh gốm lò quan, còn có gốm Chu Đậu (Hải Dương). Chính vì vậy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng phối hợp với Bảo tàng Hải Dương đưa ra những tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về gốm sứ Chu Đậu, thể hiện sức sống của gốm Chu Đậu cách đây 5 thế kỷ vẫn tồn tại và tham gia vào đời sống sinh hoạt hiện nay.
Tại trưng bày lần này, chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga từ thời Lê sơ (thế kỷ 15) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1 - một lần nữa lại được mang ra giới thiệu với công chúng. Chiếc bình gốm này cũng được khai quật nguyên vẹn từ tàu đắm cổ Cù Lao Chàm. Đặc biệt, một hiện vật khá nổi bật của triển lãm là bộ hài cốt được xác định của một phụ nữ khoảng 20 tuổi có đặc điểm chủng tộc Thái. Đây là 1 trong 11 bộ hài cốt của những thương nhân và thuyền viên trên tàu Cù Lao Chàm.
Những hiện vật từ những con tàu đắm được trưng bày mang tới cho công chúng cái nhìn về vị thế đặc biệt quan trọng của biển Việt Nam trong giao thương quốc tế trên biển, vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. Bằng chứng là gần 30 năm qua, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam, trong đó có 6 con tàu Bảo tàng Lịch sử quốc gia trực tiếp tham gia và chủ trì nghiên cứu khai quật (đó là tàu Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Hòn Dầm, Bình Châu, Bình Thuận và Cà Mau), từ đó bổ sung nguồn tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Cường, trong năm 2019, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục tiến hành khai quật con tàu thứ 7 tại biển Đông đó là tàu Dung Quất. Khác với 6 con tàu trước chỉ mới mang được hiện vật lên mà chưa thể mang cả con tàu khỏi lòng đại dương, thì với con tàu thứ 7 này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì tiến hành khai quật một cách khoa học, bài bản và sẽ đưa con tàu đó lên, lưu giữ lại toàn bộ các hiện vật được khai quật tại con tàu này.
Trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” sẽ kéo dài từ ngày 18/1 - 18/5/2019 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hoa Trang