_watermark.jpg)
Triển lãm “Em mơ” trưng bày 9 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Hổ (nghệ danh Phi Hổ) sáng tác trong năm 2019. Bước vào không gian triển lãm, công chúng và du khách sẽ thấy sự kết hợp giữa 4 tác phẩm sắp đặt và 5 bức vẽ trong nền chủ đạo đen và trắng. Nếu như người yêu nghệ thuật từng biết đến Nguyễn Văn Hổ ở những chất liệu sơn dầu, màu nước, mực tàu, giấy dó… và phong cách nổi trội là pop art, thì ở triển lãm “Em mơ” lần này, người yêu nghệ thuật sẽ thấy những trải nghiệm rất khác. Họa sĩ Nguyễn Văn Hổ đặt hình ảnh những em bé mơ màng no sữa trong tác phẩm sắp đặt “Mơ” giữa những xoay vần của cuộc sống, tạo nên những tương phản đậm nét giữa mộng mơ và thực tại, giữa đương đại và quá khứ, giữa bản sắc và mai một, giữa cá nhân và định kiến… Những giấc ngủ dài như mơ trong một không gian mà không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm và cả tinh thần cùng đời sống văn hóa đều đang bị xâm thực.
Giữa trung tâm không gian triển lãm, nổi bật lên màu đỏ của tác phẩm sắp đặt “Co cụm” gồm 10 hộp chân dung người dân tộc Dao Thanh Phán, nói lên thực trạng các dân tộc thiểu số ngày càng co cụm mất đi bản sắc trong xã hội ngày càng hiện đại. Chính bởi vậy, góp phần giữ gìn những gì thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc, đó là thông điệp mà họa sĩ Nguyễn Văn Hổ muốn gửi gắm tới công chúng thông qua triển lãm “Em mơ”.
_watermark.jpg)
Bước vào triển lãm “Từ ngàn xanh” của họa sĩ Phạm Tuấn Tú, người yêu nghệ thuật sẽ lạc vào một không gian với 45 tác phẩm tranh và tượng đều bằng chất liệu gỗ, từ tầm thường tới quý hiếm. Các tác phẩm này đều được họa sĩ Phạm Tuấn Tú sáng tác trong 2 năm gần đây. Nhưng điều đặc biệt là, tất cả những chất liệu gỗ này đã được họa sĩ Phạm Tuấn Tú nhặt về từ những đống đồ thải loại, từ những bãi củi đợi đốt lò… trong suốt 10 năm qua. Từ những món đồ gỗ cũ kĩ như bàn, ghế, tấm cửa hay những con tiện cầu thang… đã bị bỏ đi thành rác ngay khi còn giá trị sử dụng, họa sĩ Phạm Tuấn Tú đã sửa sang, biến tạo những đồ gỗ phế thải thành những bức tượng, bức tranh đầy tính nghệ thuật.
Có thể nói, họa sĩ Phạm Tuấn Tú đã “tái sinh” những món đồ gỗ bỏ đi, mang tới đời sống mới cho chúng. Nhưng, Phạm Tuấn Tú lại cho rằng, chính những tấm gỗ từng bị xem là rác ấy đã tái sinh một Phạm Tuấn Tú khác trong nghệ thuật. Triển lãm “Từ ngàn xanh” như muốn nhắn nhủ thông điệp tới mọi người, hãy trân trọng hơn vài món đồ cũ của mình, để không vội vã phá bỏ đi khi còn dùng được chỉ để chạy theo những nhu cầu vật chất bất tận trong đời sống hôm nay…
Hạ Tinh