Làm du lịch theo cách của người trẻ
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Khi đến đây, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng với những nhà hàng, quán cafe, quán ăn… được thiết kế độc đáo với khung cảnh yên bình, hài hòa mang đậm nét làng quê Việt Nam. Chủ nhân của những nhà hàng, quán cafe ấy là những người mang đầy tâm huyết, sự sáng tạo, năng động của tuổi trẻ.
Sau hành trình dài khám phá hang động, tìm hiểu mảnh đất, con người, văn hóa nơi đây, bạn có thể nghỉ chân thư giãn trong không gian mộc mạc, yên bình được trang trí bằng những khóm trúc, bụi chuối, những sản phẩm từ chất liệu tre và thả lỏng mình ngắm những bức tranh làng quê bình dị, yên ả hay thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm hương vị ẩm thực Việt Nam tại các nhà hàng, quán cafe như Lantern Vietnamese Restaurant, D-Arts zone, Phong Nha Coffee Station, Bamboo Cafe…
Lantern Vietnamese Restaurant là một trong những nhà hàng khá nổi tiếng ở xã Sơn Trạch, thu hút du khách không chỉ bởi không gian ấm cúng mà còn có thực đơn phong phú với những món ăn dân dã, đồng quê.
Anh Đinh Anh Tuấn - chủ nhà hàng chia sẻ: “Sơn Trạch là vùng đất mà thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tôi đã ấp ủ trong mình bao dự định, kế hoạch để khởi nghiệp ngay trên mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên. Vì vậy, với số vốn trong những năm đi xuất khẩu lao động nước ngoài cùng những kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn, nhà hàng sau khi về nước, tôi đã mạnh dạn đầu tư để biến những ý tưởng, dự định của mình thành hiện thực”.
Đến với Lantern Vietnamese Restaurant, du khách sẽ được thưởng thức món cá lóc đồng vàng ươm hòa cùng vị cay nồng của chén mắm gừng, món cá trắm sông Son sốt cà với hương vị thơm ngon, đậm đà hay những quả cà pháo giòn bên bát cơm trắng nóng hổi… Một điều khá đặc biệt nữa là du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được tham gia lớp học nấu ăn do nhân viên nhà hàng hướng dẫn. Tại đây, du khách sẽ được đi chợ quê và tự tay chọn những sản vật địa phương để chế biến món ăn. Đây là cách làm hiệu quả để khách du lịch hiểu hơn về văn hóa ẩm thực địa phương cũng như cuộc sống thường ngày của người dân bản địa qua các phiên chợ.
Hiện nhà hàng của anh Tuấn đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều thực khách khi muốn thưởng thức những món ăn mang đặc trưng hương vị quê nhà. Ngoài ra, anh Tuấn còn sử dụng trang TripAdvisor như một cầu nối trao đổi thông tin du lịch với mọi người trên toàn thế giới và xem những phản hồi của du khách là những lời khích lệ, góp ý giúp nhà hàng ngày càng hoàn thiện hơn để góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt.
Khi người nông dân làm du lịch
Là một địa phương sớm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, hiện xã Sơn Trạch có khoảng 30 mô hình homestay. Bên cạnh những homestay được xây dựng quy mô, hiện đại với số vốn đầu tư lớn thì một số người nông dân nơi đây lại chọn cho mình lối đi riêng, khai thác những lợi thế địa phương và xây dựng những mô hình homestay bình dị như chính con người họ vậy. Những nét giản dị, mộc mạc của một làng quê như được gói trọn, lưu giữ trong những mô hình homestay và đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với không ít du khách. Cùng với việc được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của những người nông dân, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như đạp xe đạp, tắm sông, câu cá… Qua đó, khách du lịch sẽ hiểu hơn về cuộc sống cũng như văn hóa của người dân bản địa.
Nép mình bên dòng sông Sơn thơ mộng, phía trước là những dãy lèn đá cao, Behome Homestay (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch) là địa điểm lý tưởng cho những du khách thích đắm mình trong không gian yên bình của chốn thôn quê. Hiện cơ sở du lịch của vợ chồng anh nông dân Trần Đức Minh là chốn nghỉ chân của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
5 căn phòng của Behome Homestay được thiết kế từ những ngôi nhà cột với mái ngói rêu phong ẩn mình sau những tán lá cây. Nơi đây được trang trí đơn giản, tỉ mỉ nhưng cũng không kém phần tinh tế bằng những vật dụng rất đỗi gần gũi như: chõng tre, đèn măng sông, chum, vại, nơm, oi, gáo dừa, thúng, mẹt… Du khách đến đây không chỉ tận hưởng không gian của làng quê yên ả với tiếng gà gáy sớm mà còn cùng gia đình chủ nhà đi làm đồng và quây quần bên mâm cơm gia đình khi trời vừa chập choạng tối.
Có lẽ, trên miền đất di sản, chuyện những người nông dân làm du lịch đã không còn là câu chuyện xa lạ. Những người nông dân ấy, họ không ngừng nỗ lực tạo ấn tượng cho du khách khi đặt chân đến mảnh đất này. Và rồi, họ tiễn chân du khách bằng cả tấm lòng của người dân quê mộc mạc được gửi gắm trong những sản phẩm lưu niệm, sản vật đặc trưng của địa phương như: các bức tranh về phong cảnh làng quê, về Phong Nha - Kẻ Bàng; những chiếc nón lá; các sản phẩm mây xiên; rượu Võ Xá; khoai deo; tép khô sông Son… Những món quà quê ấy sẽ đi khắp muôn phương mang thông điệp về văn hóa, vùng đất, con người và là cơ hội để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Với sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người trẻ hay qua cách sử dụng, khai thác những lợi thế địa phương của người nông dân đã góp phần vào sự phát triển chung của Du lịch Quảng Bình.
Thông qua hoạt động du lịch, người dân nơi đây còn giúp du khách hiểu hơn về văn hóa bản địa, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị của quê hương qua các món ăn dân dã, qua các hình thức du lịch cộng đồng, qua những sản phẩm lưu niệm, sản vật địa phương... Để rồi đọng lại trong tâm thức của du khách là hồi ức sâu lắng, khó quên về miền quê Quảng Bình mộc mạc, giản dị và tươi đẹp.
Tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh trên mảnh đất di sản, những người dân nơi đây đang không ngừng nỗ lực chung tay góp sức lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm hồn cốt quê nhà, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến gần với du khách theo cách riêng của mình.
Lệ Minh