Phố tranh bích họa Phùng Hưng là một dự án nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Từ năm 2017, tại phố bích họa Phùng Hưng đã diễn ra rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách. Có thể nói đây là một không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và là tiền đề hình thành tuyến phố Phùng Hưng phát triển theo định hướng dịch vụ, thương mại, du lịch gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và phố Hàng Mã, chợ hoa Hàng Lược…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: Tết Trung thu năm 2022, UBND quận Hoàn Kiếm giao Ban Quản lý (BQL) hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với UBND phường Hàng Mã và các phòng, ban, ngành của quận tổ chức không gian Trung thu truyền thống phố cổ Hà Nội tại không gian bích họa phố Phùng Hưng. Bà Lan cho hay, phố tranh bích họa Phùng Hưng sẽ là một điểm đến mang lại cho người dân và du khách, đặc biệt là các em nhỏ những trải nghiệm quý giá, góp phần làm phong phú hơn cho các hoạt động Tết trung thu truyền thống tại khu phố cổ Hà Nội. Đồng thời, cũng là nơi để các nghệ nhân, thợ thủ công có cơ hội giới thiệu, quảng bá những tinh túy của nghề truyền thống cha ông.
Bà Lan nhấn mạnh, thông qua hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống, Ban Tổ chức hy vọng sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền, đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích, thú vị trong dịp Tết Trung thu truyền thống. “Trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục giao BQL hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, UBND phường Hàng Mã phối hợp với các tổ chức, cá nhân quảng bá, giới thiệu và duy trì các hoạt động để nâng cao giá trị không gian văn hóa nghệ thuật tại phố bích họa Phùng Hưng”, bà Lan chia sẻ.
Tại lễ khai mạc, nghệ nhân, thợ thủ công Nguyễn Thị Tuyến tham gia hoạt động văn hóa lần này cho biết: Một trong những đồ chơi không thể thiếu mỗi dịp Trung thu là đèn ông sao. Đây là một loại đồ chơi truyền thống làm bằng giấy dán vào khung tre, nứa được trẻ em rất yêu thích. Hình ảnh ngôi sao 5 cánh được bao bọc bởi vòng tròn tượng trưng cho ngũ hành âm dương trong phong thủy, vì thế chiếc đèn ông sao tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa của các mối quan hệ trong đời sống, giữa người với người và giữa người với thiên nhiên vạn vật.
Để giúp cho du khách nhất là các em nhỏ hiểu thêm về Tết Trung thu truyền thống, trong không gian Phố tranh bích họa Phùng Hưng, Ban Tổ chức còn sắp đặt các gian hàng giới thiệu về đồ chơi, các nghệ nhân và thợ thủ công hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống: đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy; đèn kéo quân; tàu thủy bằng sắt tây; mặt nạ giấy bồi; tò he đất; lẵng con giống bằng bông; con giống tò he; chuồn chuồn tre; diều giấy; quạt Chàng Sơn; đồ chơi Trí Uẩn. Trong dịp Tết Trung thu 2022 tại đây còn có nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống, hướng dẫn các trò chơi dân gian như ô ăn quan, cướp cờ, đánh truyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, đi cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò…
Sau lễ khai mạc, ngoài không gian Phố tranh bích họa Phùng Hưng, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2022 tại Đình Kim Ngân số 42-44 Hàng Bạc; giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống có sự tham gia của các nghệ nhân Đặng Văn Hậu - Phú Xuyên, Hà Nội hướng dẫn làm con bột giống; thợ thủ công Nguyễn Thị Tuyến - Hoài Đức, Hà Nội hướng dẫn làm đèn ông sao. Tại Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu.
Tuấn Hải