Dự Lễ Khai mạc có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan.
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô - điểm du lịch hấp dẫn, an toàn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Qua đó, thúc đẩy, hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề trong việc sản xuất các sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch. Đồng thời, kết nối làng nghề, đơn vị sản xuất quà tặng với các đơn vị lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để gia tăng mức tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế du lịch. Lễ hội còn là dịp để tăng cường kết nối du lịch, kết nối văn hóa, kết nối con người từ các hoạt động có trong sự kiện, gia tăng nhu cầu đi và trải nghiệm, khuyến khích phát triển du lịch.
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 3-5/11 với nhiều hoạt động như Trình diễn thời trang “Dấu ấn tinh hoa”; Không gian giới thiệu, triển lãm, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch TP. Hà Nội; Không gian thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch; Workshop làng nghề truyền thống – Bước vào tinh hoa làng nghề; Diễu hành Xích lô – Roadshow đặc sắc của Lễ hội; Biểu diễn nghệ thuật dân gian; Các hoạt động đường phố, đồng diễn; Chương trình nghệ thuật âm nhạc POP; Tọa đàm “Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023”… Với chủ đề “Hẹn yêu Hà Nội”, lễ Khai mạc với mong muốn không chỉ truyền đến du khách thông điệp “Đến để yêu”, mà du khách còn có nhiều hơn nữa những trải nghiệm, những cuộc hẹn để thêm yêu hơn TP. Hà Nội. Thông qua cuộc hẹn đặc biệt này, du khách sẽ thêm yêu hơn một Hà Nội hào hoa rực rỡ sắc màu, một Hà Nội trầm lắng với những nét văn hoá đậm tính dân tộc, được lưu giữ và bảo tồn trong suốt chiều dài lịch sử. Cùng với đó là cảm hứng về những tinh hoa của mảnh đất trăm nghề, hòa quyện với dòng chảy lịch sử, khắc họa sống động về một nền văn hoá đầy bản sắc được lưu truyền đến hiện tại và tiếp nối tới tương lai.
Phát biểu Khai mạc Lễ hội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội vốn được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề, có khu phố cổ, có hệ thống di tích lịch sử cách mạng cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú… Những vốn quý này đều chứa đựng rất nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để truyền tải một cách mạnh mẽ thông qua từng sản phẩm.
Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh: “Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh, những năm qua, TP. Hà Nội đã chỉ đạo, tập trung triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề nổi tiếng; kế hoạch bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, triển khai chương trình OCOP; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch nhằm tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến Hà Nội… Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá, tăng thêm giá trị cho một điểm đến du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, khuyến khích chi tiêu, gia tăng giá trị kinh tế”.
Gia Khôi