Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2014
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu “Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát biểu chào mừng Đại lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Vesak 2014 Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh: Thế giới của chúng ta ngày nay đang đối diện với hàng loạt các khủng hoảng và thiên tai không dự đoán được, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc trong bối cảnh này trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Phật giáo với di sản từ bi, độ lượng, bất bạo động có thể đóng góp to lớn cho hòa bình và hòa hợp trong thế giới ngày nay. Đại lễ Vesak 2014 là một chứng nhân cho sự kiện trọng đại này.
Trong thông điệp gửi tới Đại lễ, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: Tôi đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và mong muốn của quý vị trong việc khám phá những quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, nên trong thời đại ngày nay quan điểm phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn.
Đại lễ Vesak 2014 diễn ra từ 8 – 10/5, là sự kiện đối ngoại quan trọng nhằm nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, góp phần vào sự hợp tác toàn diện của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tích cực vận động UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là Di sản thế giới.
Trong khuôn khổ Đại lễ sẽ diễn ra chuỗi các diễn đàn, hội thảo khoa học Phật giáo quốc tế với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc”, những nghi lễ văn hóa – tâm linh, chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật văn hóa phật giáo, chương trình trồng cây hưởng ứng bảo vệ môi trường, phát quà từ thiện cho quỹ khuyến học, hội chợ văn hóa phật giáo, triển lãm mỹ thuật phật giáo và ảnh non nước Việt Nam, liên hoan phim phật giáo...
PV