Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm tới 5,6% so với cùng kỳ 2018. Mặc dù nhiều thị trường có mức tăng mạnh mẽ như Thái Lan tăng 49,3%; Philipines tăng 24,8%; Hàn Quốc tăng 24,1%; Indonesia tăng 17,2%; Na Uy tăng 12,9%... song sự sụt giảm khá mạnh lượng khách từ Trung Quốc khiến tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong 3 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 7%.
Nhận định về nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, thời gian qua Việt Nam tập trung xử lý nghiêm tình trạng tour giá rẻ, vì vậy nhiều doanh nghiệp đưa khách sang theo con đường này phải ngừng, giảm hoạt động. Bên cạnh đó, thời điểm đầu năm 2019 là Tết Nguyên đán (cũng là mùa lễ hội của Trung Quốc) nên khách chủ yếu tập trung tại nội địa Trung Quốc, do đó lượng khách đi ra nước ngoài (trong đó có Việt Nam) giảm mạnh. Ngoài ra còn có nguyên do khác là khách Trung Quốc sang Việt Nam bằng máy bay thuê bao chuyến (charter flight) đến những điểm đến chủ yếu như Nha Trang, Đà Nẵng, thì hiện nay những điểm đến này bắt đầu quá tải, sức chứa của sân bay cũng như hạ tầng có hạn, dẫn đến sức hút đối với du khách giảm.
Theo phân tích của các doanh nghiệp lữ hành chuyên inbound Trung Quốc, thị trường khách Trung Quốc có 3 nhóm rất rõ rệt, thứ nhất là khách đường bộ qua các cửa khẩu (dòng khách này chủ yếu đến các điểm phía Bắc); thứ hai là khách máy bay truyền thống (dòng khách này không có phân khúc rõ ràng về điểm đến) và dòng khách máy bay thuê bao chuyến - charter flight (dòng khách cao cấp với điểm đến chủ yếu là nghỉ dưỡng tắm biển).
Trao đổi với tapchidulich.net.vn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự sụt giảm của khách du lịch từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam thời gian qua chỉ xảy ra ở dòng khách đi bằng charter flight, đối với khách đường bộ và khách máy bay truyền thống có sự biến động không đáng kể.
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách charter flight từ thị trường Trung Quốc (đề nghị ẩn danh) chia sẻ, trong 3 tháng đầu năm 2019, lượng khách công ty đón giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo phân tích của vị giám đốc này, do nắm bắt được nhu cầu du lịch của khách tới các điểm đến Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014 nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã khai thác charter flight đến Việt Nam. Mới đầu là Đà Nẵng, tiếp đó đến Nha Trang và một số địa phương khác. Thời gian lưu trú trung bình của khách bay charter flight vào khoảng 5 ngày 4 đêm, trong khi ở phân khúc đường bộ khoảng 4 ngày 3 đêm.
“Khách đi bằng máy bay thuê bao chuyến là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu cao, trung bình chi phí cho lưu trú khách sạn từ 4 -5 sao vào khoảng 4,5 triệu đồng/đêm; cho giải trí, nghỉ dưỡng khoảng 3 triệu, chưa kể mua sắm và chi tiêu khác”, vị này cho hay.
Các số liệu thống kê cho thấy lượng khách charter flight từ Trung Quốc đến Việt Nam có sự tăng trưởng rất nhanh. Năm 2015 mới đạt trên 100.000 lượt thì đến năm 2016 đạt trên 500.000 lượt, năm 2018 đạt tới gần 2 triệu lượt khách. Sự vào cuộc của rất nhiều đơn vị khai thác charter flight từ phía Trung Quốc dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt, nhiều đơn vị đã thay đổi chương trình tour để giảm giá land dẫn đến chất lượng dịch vụ không tương xứng với số tiền khách phải trả. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của dòng khách nói trên. Bên cạnh đó, sự quá tải về sân bay một số địa phương trọng điểm đón khách charter flight Trung Quốc cũng khiến sức hấp dẫn của điểm đến giảm đáng kể.
Theo ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty Du lịch Continental, trước đây charter flight Trung Quốc đưa khách đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Philipines, Thái Lan…, sau khi các điểm đến này có dấu hiệu bão hòa, các đơn vị khai thác charter chuyển hướng đến Việt Nam. “Điểm đến mới bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của du khách nên dòng khách này tăng mạnh trong khoảng thời gian từ 2015 - 2018 và đương nhiên khi đạt ngưỡng thì đi xuống. Đây là điều rất bình thường trong hoạt động du lịch. Tuy nhiên, đối với Du lịch Việt Nam thì đây là điều đáng ngại, bởi khách Trung Quốc luôn nằm trong top các thị trường khách đến Việt Nam nhiều nhất”, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, còn có nguyên do khác là từ tháng 4/2018, Philipines đóng cửa 6 tháng khu du lịch nổi tiếng Boracay để xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường, nên khách Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam, ông Dương cho biết thêm.
“Một năm lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài khoảng 120 triệu người, trong khi đó khách Trung Quốc sang Việt Nam mới đạt khoảng 5 triệu lượt, con số này quá nhỏ so với thị trường đầy tiềm năng và nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác. Vấn đề đặt ra là cách thức triển khai”, ông Dương nhận định và cho rằng, thị trường khách Trung Quốc rất phù hợp với khả năng cung ứng của các đơn vị cung cấp dịch vụ Việt Nam, kể cả hạ tầng phần cứng, đến vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, mua sắm… do vậy cần tích cực khai thác hơn nữa để thu hút khách.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội, công tác xúc tiến quảng bá điểm đến tại thị trường Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn khách từ các vùng khác nhau của Trung Quốc.
“Bên cạnh các chương trình quảng bá do Tổng cục Du lịch tổ chức, hàng năm công ty đã chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến Việt Nam ở nhiều thị trường tiềm năng của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quý Châu, Tây An…”, ông Tùng cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về các giải pháp phục hồi thị trường khách du lịch Trung Quốc, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức một chương trình gặp gỡ, đối thoại, trao đổi và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đón khách từ thị trường Trung Quốc, để tháo gỡ những điểm nghẽn, thu hút khách Trung Quốc mạnh hơn.
Cùng với đó, Tổng cục Du lịch sẽ thành lập đoàn công tác làm việc với các địa phương trọng điểm đón khách qua cửa khẩu, cũng như các địa bàn trọng điểm đón khách Trung Quốc (Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa…) bàn biện pháp tháo gỡ ách tắc, thu hút khách bằng đường bộ, đường không.
“Tổng cục Du lịch sẽ điều chỉnh kế hoạch trong Chương trình Hành động quốc gia về du lịch, Chương trình Xúc tiến Du lịch quốc gia để bố trí nguồn lực, tập trung cho xúc tiến, quảng bá, tham dự hội chợ, roadshow tại Trung Quốc nhằm đẩy mạnh quảng bá điểm đến Việt Nam tới du khách Trung Quốc. Điều chỉnh kinh phí từ các thị trường xa, thị trường tiềm năng… để dồn kinh phí cho các thị trường cần tập trung trước mắt”, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh. “Ngay trong tháng 4, tháng 5/2019 Du lịch Việt Nam sẽ triển khai quảng bá tại nhiều thị trường của Trung Quốc, ưu tiên đẩy sớm so với kế hoạch dự kiến là tháng 7, tháng 8/2019”, Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm.
|
Viễn Nguyệt