Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 766,4 nghìn lượt trong 9 tháng của năm 2022
Dự kiến, trong 9 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766,4 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39,69 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Về hoạt động lưu trú, trong tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng; trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 43,7% tăng 14,3% so với tháng 8-2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, trong 9 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 34,1%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.
Trong bối cảnh mở cửa du lịch trở lại, ngành Du lịch Thủ đô đã triển khai nhiều các sản phẩm du lịch để tập trung thu hút khách. Trong 9 tháng qua, thành phố công nhận thêm 3 điểm du lịch là: Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (quận Ba Đình), Điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất). Tổng các khu, điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn thành phố đến nay là 24 khu, điểm.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm sẽ tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Lựa chọn các điểm đến du lịch phù hợp trên địa bàn Thành phố xây dựng thành các điểm đến an toàn. Phối hợp tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch tại một số điểm đến du lịch; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.
Công tác xây dựng sản phẩm du lịch cũng như hợp tác xúc tiến thị trường cũng được đẩy mạnh trong thời gian tới. Dự kiến sẽ có các sản phẩm du lịch mới, độc đáo theo thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm (bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ…).
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ tiếp tục chú trọng vào các công tác tuyên truyền quảng bá khi triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khu vực miền Trung – Tây Nguyên… nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, có tính kết nối cao.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng bản đồ số du lịch Hà Nội cho du khách và người dân thông qua hệ thống website hoặc app ứng dụng với các tiện ích, cung cấp đa dạng các tính năng đáp ứng nhu cầu của du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đối với công tác hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức các buổi tập huấn kiến thức quản lý du lịch cho cán bộ cơ sở, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ du lịch và định hướng đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tại địa phương.
Điều tra cơ sở dữ liệu về thực trạng du lịch nông nghiệp nông thôn, đánh giá tài nguyên và định hướng phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022.
Lan Phương