Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL nhân kỷ niệm 15 năm thành lập
Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo tỉnh Hòa Bình; đại diện một số bộ, ngành; Hội Di sản Việt Nam và sự hiện diện của trên 500 nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực...
MEDDOM do Tập đoàn y tế MED-GROUP đầu tư toàn diện, có sứ mệnh nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Sự ra đời của MEDDOM đã xác lập những quan niệm mới mẻ về một loại hình di sản đặc biệt – di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, MEDDOM tiếp cận và nghiên cứu gần 3.000 nhà khoa học ở tất cả các chuyên ngành, lĩnh vực khoa học và đã sưu tầm gần 1 triệu tài liệu hiện vật, hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình ký ức, câu chuyện của các nhà khoa học Việt Nam. Đây là khối di sản “khổng lồ” có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, lịch sử các ngành/lĩnh vực khoa học, lịch sử giáo dục, chính trị-xã hội…
Bên cạnh việc sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn di sản, công tác nghiên cứu, phát huy di sản là một trong những nhiệm vụ được MEDDOM hết sức chú trọng. Sau 15 năm, đơn vị đã xuất bản hàng chục ấn phẩm liên quan đến các nhà khoa học, như bộ sách Di sản ký ức của nhà khoa học (8 tập), Những câu chuyện hiện vật (5 tập), Hồ sơ những hạt giống bí mật, Muôn nẻo đường đến thành công… Hàng chục trưng bày, triển lãm được thực hiện trong thời gian qua như: Khát vọng học hỏi và sáng tạo, Thẳm sâu trong từng kỷ vật, Chuyện nghề địa chất, Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam… đã thu hút công chúng và đặc biệt là môi trường học tập, trải nghiệm cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, phát huy di sản, Tập đoàn MED-GROUP đã đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc cho Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong, Hoà Bình. Từ một vùng đất đồi chỉ trồng cam và mía, đến nay, Công viên đã có diện mạo hoàn toàn mới, với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Từ năm 2016, mỗi năm Công viên thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong cả nước. Đây là mô hình công viên di sản-văn hoá độc đáo trên cả nước, với giá trị lõi là di sản của các nhà khoa học. Tháng 11-2021, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được cấp phép hoạt động, trở thành bảo tàng ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao những nỗ lực của người sáng lập MEDDOM là GS, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí, suốt chặng đường vừa qua dù âm thầm nhưng đã tạo ra những giá trị tinh thần, giá trị giáo dục, khoa học hết sức lớn lao, đây là điều vô cùng quý báu. Gửi lời chúc mừng đến MEDDOM, Thứ trưởng mong muốn các hoạt động sưu tầm, lưu trữ, phát huy giá trị di sản và lan tỏa ý nghĩa quý báu này đến thế hệ trẻ ngày càng được phát huy hơn nữa...
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, bên cạnh các ý nghĩa to lớn mà MEDDOM mang lại, giá trị kinh tế, đặc biệt là du lịch đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế văn hóa xã hội của xã Bắc Phong, huyện Cao Phong cũng như với tỉnh Hòa Bình. “Kể từ khi có Công viên Di sản các nhà khoa học, nhân dân, du khách mọi nơi biết tới và đến với tỉnh Hòa Bình nhiều hơn”, ông Toàn nói.
Lễ kỷ niệm 15 năm Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân đến các nhà khoa học và gia đình các nhà khoa học, đồng thời kêu gọi các nhà khoa học và xã hội tiếp tục góp sức, chung tay với MEDDOM trên hành trình sưu tầm, lưu trữ và phát huy những di sản của các nhà khoa học Việt Nam.
Hùng Nguyễn