TS. Nguyễn Tiến Đông, phụ trách đoàn khai quật di tích này của Viện Khảo cổ học cho biết: bước đầu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 73 lò hỏa táng được làm bằng đất nung trên diện tích hơn 3.700m2 ven sông Cái.

|
Khu di tích lò - mộ đang được khai quật tại Phú Yên |
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một khu chuyên tiến hành các nghi lễ hỏa táng lớn của người Chăm, những lò đất nung này vừa là lò thiêu vừa là quan tài địa táng. TS. Nguyễn Tiến Đông khẳng định, đây là khu di tích lò - mộ, một loại hình di tích rất đặc biệt lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Phát hiện này hết sức quan trọng đối với ngành khảo cổ học cũng như nhiều ngành khoa học nhân văn khác như nhân học, văn hóa học, tôn giáo, lịch sử... Đoàn khảo cổ đã đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành khẩn cấp các biện pháp bảo vệ khu di tích, tránh sự xâm hại của con người, thiên tai; đồng thời, lập dự án nghiên cứu tổng thể, khai quật toàn bộ khu di tích, khu di tích đất nung được xuất lộ sau đợt lũ lịch sử tháng 11/2009. Đến tháng 5/2010, Sở đã tiến hành khảo sát sơ bộ. Qua đó tìm thấy nhiều hiện vật bằng đất nung và than phân bố trên một địa bàn rộng lớn bên bờ sông Cái. Nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ, có thể đây là quần thể di tích gồm những lò thiêu xác thuộc thời kỳ Văn hóa Chăm.
Theo kế hoạch trong đợt khai quật lần này, các nhà chuyên môn sẽ tiến hành khai quật trên diện tích khoảng 250m2, nhằm xác định các giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích, đồng thời thu thập tất cả hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu. Các hiện vật tìm thấy sẽ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên./.
Lạc Trường