Truyền thuyết kể lại rằng, người Kalasha là hậu duệ dưới quyền đội quân của Alexandre Đại đế (khi đi qua vùng Pakistan, đội quân này sống với phụ nữ bản địa và để lại hậu duệ giống hệt người châu Âu hiện đại), nhưng họ không có tính cách thiện chiến của tổ tiên mà là những người sống giản dị, yêu hòa bình và rất lạc quan.
Mặc dù tách biệt về vị trí địa lý cũng như hạn chế trong giao lưu cộng đồng, nhưng thung lũng Kalasha được xem như là một trung tâm của các hoạt động văn hóa. Người dân Pakistan vẫn thường cất công đến nơi đây để chung vui với các lễ hội đậm đà bản sắc của người dân bản địa.
Được coi là bộ tộc hạnh phúc nhất hành tinh, vì thế những ngày lễ tết là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Kalasha. Nơi đây có 4 lễ hội rực rỡ sắc màu được tổ chức xuyên suốt trong năm, đó là những sự kiện náo nhiệt, tưng bừng và độc đáo: Lễ hội Joshi diễn ra vào tháng 5 để chào đón mùa xuân; Lễ hội Uchaw tổ chức vào cuối tháng 8 nhằm cầu mong mùa màng bội thu; Lễ hội Pul (hay Poh) tổ chức vào tháng 9 tại thung lũng Birir; Lễ hội Chaumos diễn ra vào tháng 12 và kéo dài hơn 2 tuần - đây là lễ hội lớn chào đón tết của bộ tộc Kalasha.
Phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ của thung lũng Kalasha làm nao lòng du khách bao nhiêu thì vẻ đẹp ma mị quyến rũ của phụ nữ Kalasha khiến du khách mê đắm bấy nhiêu. Nhất là khi vẻ đẹp tươi tắn ấy được phô bày trong các lễ hội tràn ngập những vũ điệu kỳ ảo. Trong bất cứ sự kiện nào, dù là đám cưới hay lễ mừng mùa màng bội thu… người Kalasha đều nhảy múa tưng bừng theo nghi thức của riêng họ. Xứng danh với huyền thoại “xứ sở của các tiên nữ múa”, những người phụ nữ đã hóa thân thành những vũ công điêu luyện, uyển chuyển theo điệu nhạc phát ra từ tiếng trống do cánh đàn ông đánh.
Người Kalasha cũng là một dân tộc yêu thích ca hát. Tại lễ hội mùa xuân, phụ nữ nhảy múa, nam giới không được tham gia nhảy múa chung. Những đôi trai gái sắp cưới sẽ bí mật chọn điệu múa diễn ra trong sự kín đáo nhằm tạo ra sự bất ngờ với những người xung quanh. Điều này được xem như một thỏa ước bí mật của tình yêu vĩnh cửu sẽ đến sau đó. Lễ cưới sẽ diễn ra nếu đôi trai gái nhảy múa ăn ý và được chấp thuận bởi những bậc cao niên trong thung lũng Kalasha.
Những điệu múa vào mùa xuân được người Kalasha xem như một giao kết mới trong các thị tộc của cộng đồng Kalasha mà hiện nay dân số đang suy giảm đến mức báo động (chỉ còn khoảng gần 5.000 người). Hôn nhân của người Kalasha hoàn toàn không có giấy đăng ký kết hôn; mọi cuộc hôn nhân đều được dàn xếp bởi các bậc tù trưởng cao niên của bộ lạc.
Thung lũng Kalasha là một thế giới hiếu khách và tự do vô tận cho những ai đi du lịch vào vùng đất diệu kỳ này. Người Kalasha sẵn lòng san sẻ đồ ăn, rượu và nơi trú ngụ của họ cho những ai có nhu cầu. Du khách đến xứ sở này luôn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác…
Tộc người Kalasha (những người không theo đạo Hồi còn được gọi là Kafir, tức áo choàng đen và Siah Posh), đang sống rất thanh bình trong ba thung lũng phụ cận của Kalasha, Pakistan cùng với các tộc người Bumboret, Rumbor và Birir.
|
Nguyễn Hải
Tạp chí Du lịch