Chương trình “Thành phố xanh quốc tế” (EHCC) là một sáng kiến của WWF nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường; đồng thời, xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm nay có 125 thành phố từ 21 quốc gia trên thế giới dự thi “Thành phố xanh quốc tế”, trong đó Việt Nam lần đầu tiên tham gia với đại diện là thành phố Huế.
Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được vinh danh với cam kết phát thải các-bon thấp. Ảnh: Nguyễn Văn Hòa
Các thành phố dự thi phải có báo cáo phát thải các-bon kèm theo ít nhất một cam kết và một kế hoạch hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, năng lượng, lương thực và nguồn nước. Căn cứ vào đó, Ban giám khảo gồm 17 chuyên gia độc lập trên thế giới chọn ra các “Thành phố xanh quốc gia” (mỗi nước một thành phố) để vào vòng chung kết. Quán quân cuộc thi được tôn vinh là “Thành phố xanh toàn cầu”.
Ngay trong lần tham gia đầu tiên, Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các thành phố xanh trên thế giới với cam kết đến năm 2020, thành phố sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Kèm với cam kết này là 7 kế hoạch hành động cụ thể, trong đó chú trọng vào xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.
7 kế hoạch hành động của Huế: - Tăng cường xanh hóa đô thị thông qua việc đẩy mạnh trồng thêm nhiều diện tích cây xanh, bảo vệ diện tích mặt nước tự nhiên; - Xây dựng và cải thiện mạnh mẽ công tác giám sát, xử lý nước thải và chất thải rắn của thành phố; - Áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh hiệu suất năng lượng cao; - Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho thành phố, trong đó chú trọng vào việc tổ chức xây dựng các tuyến thăm quan nhà vườn; các công trình di tích, hệ thống sông hồ, thủy đạo; - Đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo vào các hoạt động du lịch và dịch vụ của Thành phố; - Sử dụng vật liệu tự nhiên, vật liệu xây dựng không nung để xây dựng các công trình, cơ sở công cộng và tư nhân/hộ gia đình; - Tiến hành khẩn trương xóa, giảm và di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố. |
Cùng với Huế, có 17 thành phố khác trên thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn. Paris đã trở thành Quán quân của cuộc thi với tầm nhìn và những thành công trong việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và các thành phố khác trong hành trình tiến tới phát triển bền vững.
Các thành phố xanh quốc gia 2016 khác bao gồm: Belo Horizonte (Brazil), Boulder (Mỹ), Chiangrai (Thái Lan), Edmonton (Canada), Jakarta (Indonesia), Lappeenranta (Phần Lan), Montería (Colombia), Murcia (Tây Ban Nha), Petaling Jaya (Malaysia), Quito (Ecuador), Rajkot (Ấn Độ), Santa Rosa (Philippines), Thâm Quyến (Trung Quốc), thành phố Singapore (Singapore), Tshwane (Nam Phi), Umeå (Thuỵ Điển).
Bên cạnh đó, ngày 30/6/2016, WWF sẽ công bố tên thành phố xanh được yêu thích nhất toàn cầu thông qua chiến dịch Tôi yêu thành phố (welovecities) - một chiến dịch bầu chọn qua mạng xã hội. Chiến dịch này là cơ hội để các công dân trên toàn cầu thể hiện sự ủng hộ dành cho các thành phố cam kết phát triển bền vững thông qua việc bầu chọn trực tuyến.
PV