Sáng 12/5 Hội nghị quan chức cao cấp các nước thành viên về hợp tác phòng chống ma túy được tổ chức tại Đà Nẵng – Việt Nam với sự tham dự của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương; cùng đại diện các nước tiểu vùng sông Mê Kông (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam).
Báo cáo của đại diện Liên hợp quốc cho thấy, từ lâu các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông được mệnh danh là “Tam giác vàng”- một trong 3 trung tâm sản xuất ma túy bất hợp pháp lớn nhất thế giới, là nguồn cung cấp heroin lớn thứ hai trên thế giới, là trung tâm chính về sản xuất buôn bán và sử dụng ma túy tổng hợp.
Hơn 17 năm qua, kể từ khi Liên hợp quốc và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông đặt nền móng cho cơ chế phối hợp đặc biệt đa phương về đấu tranh phòng chống ma túy, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển có giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại có diễn biến tiêu cực, đặc biệt là sản xuất buôn bán ma túy tổng hợp.
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc nhận định, các nước nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông có gần 4 triệu người nghiện ma túy.
Theo Thượng tướng Lê Thế Tiệm (Thứ trưởng Bộ Công an), đây là dịp trao đổi kinh nghiệm, thảo luận để thống nhất xây dựng những vấn đề chiến lược trong công tác phòng chống ma túy, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp đa phương cũng như song phương trong tiểu vùng.
Từ năm 1993, khi ký kết chương trình hợp tác về phòng chống ma túy các nước tiểu vùng sông Mê Kông đến nay, Việt Nam đầu tư 6 triệu USD thực hiện 30 dự án quốc tế; ký 8 hiệp định song phương về phòng chống ma túy với chính phủ các nước trong khu vực cùng với Nga, Mỹ... Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp.
Theo VN Express.net