|
Hàng thủ công mỹ nghệ của Huế phục vụ du khách trong dịp Festival Huế 2010 |
Sôi động trên từng con phố
Những khu phố du lịch của Huế như phố Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Hùng Vương, Trần Cao Vân đang “nóng” dần lên trước thềm Festival Huế 2010. Tại cơ sở mộc mỹ nghệ Anh Nga một lượng hàng lớn với nhiều kiểu dáng, mẫu mã vừa được sản xuất trưng bày phục vụ Festival. Ngoài những sản phẩm lưu niệm như tượng phật chạm khắc bằng gỗ, tượng các con vật, nhiều cơ sở tập trung sản xuất các mặt hàng mang đậm bản sắc văn hóa Huế như thuyền rồng Huế, Đại Nội, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ và các danh lam thắng cảnh của Huế được chạm khắc bằng gỗ với giá từ 150.000 - 800.000đ/sản phẩm...
Tại các cửa ngõ ra vào của Thành phố, sân bay, bến xe, nhà ga, siêu thị và các trung tâm mua bán, các cơ sở kinh doanh cũng đang chuẩn bị nhiều sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa Huế để giới thiệu với du khách, tạo nên một không khí khá sôi động và nhộn nhịp. Tại phòng chờ của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, nhiều quầy hàng lưu niệm trưng bày các sản phẩm như áo quần, mộc mỹ nghệ, tranh sơn mài, tre mỹ nghệ... thu hút khá nhiều du khách tham quan và mua sắm. Chị Thu Trang, kinh doanh quầy hàng lưu niệm ở đây cho biết: “Trung bình mỗi ngày ở sân bay có hàng ngàn lượt khách đến phòng chờ để đợi chuyến bay nên số lượng khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến mua hàng lưu niệm rất đông. Chuẩn bị cho Festival Huế 2010, chúng tôi đã đặt hàng từ các cơ sở sản xuất ở Huế và đang gấp rút chuyển hàng về trưng bày để kịp phục vụ du khách trước, trong và sau dịp lễ này”.
Thêm nhiều sản phẩm mới
Để chuẩn bị cho Festival Huế 2010, cơ sở sản xuất Lồng đèn Hoàng Ngọc Tuyên đang gia công một sản phẩm mới có mẫu mã lạ mắt, đó là các loại lồng chim mỹ nghệ bằng tre để ra mắt khách hàng. Ông Hoàng Ngọc Tuyên, chủ cơ sở cho biết: “Để chuẩn bị sản phẩm phục vụ du khách cũng như trưng bày tại Hội chợ Thương mại quốc tế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên 2010 diễn ra vào đầu tháng 6 tới, ngay từ đầu tháng 3 cơ sở đã chuẩn bị nguyên liệu, tăng thêm nhân công để sản xuất các mặt hàng truyền thống như lọng, lồng đèn, đèn vải, đèn tre, quạt tre và đặc biệt là các loại lồng chim mỹ nghệ lớn nhỏ. Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, thời gian qua Trung tâm Khuyến công, Sở Công thương Thừa Thiên – Huế đã triển khai chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng TCMN trong việc thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm mới. Theo đó, Cơ sở mỹ nghệ Trường Tiền được hỗ trợ ứng dụng công nghệ 3D để sản xuất các sản phẩm lưu niệm tinh xảo với số lượng lớn. Với công nghệ hiện đại này, trong vòng một ngày hai chiếc máy khắc Lazer và 3D có thể sản xuất trên 500 sản phẩm lưu niệm, tăng gấp 10 lần so với làm thủ công và nâng doanh thu của cơ sở lên trên 100 triệu đồng/tháng. Chuẩn bị cho Festival Huế 2010, cơ sở cũng đang tận dụng thiết bị hiện đại này để sản xuất hàng ngàn sản phẩm lưu niệm, như tranh khảm xương, điêu khắc, mỹ nghệ khảm xương, vẽ trên tranh, sơn mài, tre mỹ nghệ để phục vụ du khách.
Minh Hạnh