Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã đề cập tới tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú tới tài nguyên năng lượng và tài nguyên nước của quốc gia, tiềm năng và giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết kiệm nước trong hoạt động của ngành khách sạn.
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu , đại diện Việt Nam tại Ban Điều hành Mạng lưới công tác vì nước toàn cầu khu vực Đông Nam Á (GWP – SEA) cảnh báo về nguy cơ thiếu nước của Việt Nam trong tương lai gần, đòi hỏi thực hiện ngay những biện pháp khẩn cấp như quản lý tổng hợp tài nguyên, bổ sung và hoàn thiện các thể chế, chính sách trong quản lý – khai thác tài nguyên, nâng cao ý thức của cộng đồng và khuyến khích nghiên cứu, sử dụng các công nghệ tiết kiệm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Bà Đỗ Thúy Hà, đại diện dự án MEET – BIS Việt Nam đã tổng hợp các giải pháp công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng và nguồn nước cho các khách sạn tại Việt Nam. Hiện nay, các cơ sở lưu trú ở Việt Nam có nhận thức chưa cao trong việc tiết kiệm năng lượng nên chi phí sản xuất cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch nói chung. Trong hoạt động của khách sạn, những hạng mục có thể ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và nước gồm hệ thống điều hóa, hệ thống nước nóng, thiết bị chiếu sáng, nhà bếp, thang máy và giặt là… Đối với nguồn nước, các khách sạn cần liên tục bảo trì, bảo dưỡng hệ thống nước, kiểm soát lưu lượng và tối ưu hóa các thiết bị sử dụng nước, gắn và đồng bộ hóa các thiết bị tiết kiệm nước. Còn đối với hệ thống năng lượng, các giải pháp được đưa ra bao gồm xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, các công cụ kiểm toán năng lượng, ứng dụng các phần mềm quản lý điện năng trên máy tính, sử dụng các thiết bị cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường, các ứng dụng pin năng lượng mặt trời, năng lượng gió trong hệ thống chiếu sáng, thang máy và điều hòa… Hiện nay, dự án MEET – BIS đang hỗ trợ các hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao năng lực về kỹ thuật, marketing và bán hàng, cũng như các giải pháp tài chính cho các nhà cung cấp - lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Chuyên gia quốc tế Lenneke Braam phát biểu tại hội thảo
Trao đổi tại hội thảo, chuyên gia quốc tế về bảo vệ môi trường Lenneke Braam của tổ chức Aidenvironment cho rằng, với năng lực tài chính và công nghệ của mình, các khách sạn Việt Nam nên quan tâm và đầu tư cho những thiết bị tiết kiệm đơn giản và dễ lắp đặt. Chuyên gia này cũng đưa ra ví dụ về các thiết bị phụ kiện Neoperl lắp trực tiếp vào sen vòi, có thể tiết kiệm tới 6 lít nước trong 1 phút sử dụng. Theo tính toán của Aidenviroment, một khách sạn Việt Nam có 50 phòng, tỷ lệ sử dụng 80%, nếu lắp thiết bị Neoperl có thể tiết kiệm mỗi năm hơn 120 triệu đồng.
Trưởng phòng Quản lý dịch vụ, Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình đã giới thiệu khái niệm, ý nghĩa, những căn cứ và quá trình triển khai thực hiện nhãn du lịch bền vững “Bông sen Xanh”, áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam. Bộ tiêu chí nhãn “ Bông sen xanh” gồm có 80 tiêu chí được chia thành 4 nhóm: “Quản lý bền vững”; “Tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương”; “Giảm thiểu các tác động tiêu cực tới di sản văn hóa”; “Giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường”. Việc triển khai công tác đánh giá và cấp nhãn nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch.
Hệ thống quản lý và tiết kiệm điện năng Collectric
Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng tổ chức các gian trưng bày các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường có thể ứng dụng trong hoạt động của ngành khách sạn.
Bảo Linh