Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030
![](/FileManager/uploads/images/Nam2012/10-2012/HTKonTum.jpg)
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu chào mừng hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai Phan Xuân Vũ cho biết: Nói đến Tây Nguyên là nói đến lãnh thổ của hệ sinh thái rừng khộp, đặc trưng của Đông Nam Á, với diện tích khoảng 700.000ha phân bổ từ cao nguyên Gia Lai qua Đắc Lắk đến Tây Ninh… Sự hấp dẫn của Du lịch Tây Nguyên còn ở giá trị văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và đặc sắc mà tiêu biểu là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới… Tuy nhiên, trong thời gian qua việc khai thác lợi thế để phát triển Du lịch Tây Nguyên còn có những hạn chế, việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thế phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là cần thiết và cấp bách.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tài chính – Tổng cục Du lịch Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng đã được xác định trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Những năm qua, suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động xấu đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế ở nhiều quốc gia nhưng Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Tây Nguyên vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2011, toàn vùng đón khoảng 270.000 lượt khách quốc tế, tăng trên 14% so với năm 2010 và 2,1 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,2% so với năm 2010. Tổng thu từ du lịch năm 2011 đạt trên 3 nghìn tỷ đồng chiếm 2,4% tổng thu du lịch của cả nước. Những con số trên cho thấy, Du lịch vùng Tây Nguyên tuy tăng trưởng cao nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong cơ cấu du lịch của cả nước.
Để Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được xây dựng phù hợp với quan điểm phát triển Chiến lược và phát huy được điều kiện nguồn lực của vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo tính khả thi cao thì sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch địa phương trong vùng và các đối tác liên quan là vô cùng quan trọng.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Đề án xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030, TS. Nguyễn Văn Minh trình bày khái quát về bản Quy hoạch, các đại biểu đại diện cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng và các bên liên quan đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cho bản quy hoạch như cần bám sát quy hoạch của từng tỉnh để xây dựng quy hoạch vùng; văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cần được thể hiện xuyên suốt trong Quy hoạch vùng; nhiều thác nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc nắn dòng chảy của các nhà máy thủy điện; đường Hồ Chí Minh và con đường xanh Tây Nguyên cần được thể hiện trong bản quy hoạch; cần phân tích rõ thực trạng du lịch của cả vùng trên cơ sở những số liệu sát với thực tế để đưa ra những giải pháp và phương hướng phát triển du lịch phù hợp…
Tổng hợp các ý kiến tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch TS. Hà Văn Siêu nêu rõ: Tổ soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu về bản Quy hoạch này; đồng thời, sẽ chỉnh sửa, bổ sung các ý kiến đóng góp của đại biểu về đánh giá thực trạng du lịch vùng sát với thực tế để đề ra những giải pháp phát triển du lịch vùng hợp lý…
Đức Nguyễn