Huyện Vĩnh Cửu có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, mang các giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, giải trí có sức hấp dẫn du khách như: sông Đồng Nai; thác, hồ Trị An; đảo Ó Đồng Trường; khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai. Vĩnh Cửu cũng là vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với các địa danh và sự kiện như: là nơi thành lập Chi bộ cộng sản Bình Phước - Tân Triều (1935) và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa (1937), căn cứ Khu ủy miền Đồng Nam bộ (1962 - 1967), căn cứ Trung ương cục miền Nam (1961 - 1962), địa đạo Suối Linh. Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu còn sở hữu nhiều lễ hội truyền thống của dân tộc Kinh, Chơ-ro, các món ăn dân gian độc đáo, các làng nghề truyền thống, di sản văn hóa Hán - Nôm.
.JPG)
Tham gia góp ý kiến, các đại biểu dự hội thảo đã hiến kế cho địa phương một số giải pháp để phát triển du lịch, trong đó lưu ý phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng và du lịch đường sông kết hợp tham quan, trải nghiệm các tài nguyên du lịch của Vĩnh Cửu. Phát triển du lịch đường sông dựa trên việc khai thác các tài nguyên tự nhiên gắn với liền với rừng, hồ, sông, miệt vườn cây ăn trái với Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa, hồ Trị An và 72 đảo lớn nhỏ, sông Đồng Nai, làng bưởi Tân Triều, làng cam Hiếu Liêm. Các sản phẩm du lịch này rất thuận lợi để khai thác loại hình du lịch teambuilding, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch dã ngoại. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự còn gợi ý khai thác các di tích khảo cổ học, tiềm năng du lịch miệt vườn, kết nối tour tuyến với các trung tâm du lịch lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt để phát triển du lịch bền vững.
Để loại hình du lịch đường sông phát triển bền vững, huyện Vĩnh Cửu cần rà soát và chuẩn hóa lại đội tàu thuyền hiện có, đảm bảo các thiết bị vận chuyển, tiện nghi trên thuyền theo quy định; thành lập đội tự quản vận chuyển đường sông để vừa liên kết các chủ thuyền, vừa quản lý chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn cho khách du lịch; đồng thời, còn tập huấn đội ngũ tài công, thuyền viên về kiến thức, kỹ năng ứng xử và quy trình phục vụ khách du lịch, cải tạo khu vực cầu tàu lên xuồng ở lòng hồ Trị An, ban hành quy định quản lý du lịch đường sông, gắn các biển báo giao thông đường thủy (ngôn ngữ Việt - Anh). Ngoài ra, đầu tư xây dựng khu du lịch đảo Ó Đồng Trường theo hướng du lịch sinh thái, thể thao, xây dựng du lịch cộng đồng tại làng bưởi Tân Triều, làng cam Hiếu Liêm…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho biết, trong quy hoạch phát triển du lịch, địa phương sẽ thực hiện nhiều giải pháp cần thiết và mang tính đột phá như: nhanh chóng xây dựng quy hoạch ngành Du lịch để khai thác tiềm năng và thế mạnh để phát triển, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh, các tỉnh giáp ranh trong khu vực Đông Nam Bộ để tận dụng lợi thế đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau; huy động mọi nguồn lực để nâng cấp hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch Vĩnh Cửu - Đồng Nai. Trước mắt, huyện Vĩnh Cửu sẽ tập trung triển khai một số dự án du lịch trọng điểm để tạo đà phát triển trong thời gian tới như: khu công viên động vật bán hoang dã Safari, vườn thực vật - dược liệu quy mô 10ha, tuyến đường ven hồ Trị An dài 28km.
Nguyên Vũ