Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Uỷ ban Quốc gia chương trình Ký ức Thế giới của Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và mỹ thuật đến từ Huế, Hà Nội và một số tỉnh thành khác trong cả nước. Tại Hội thảo có 32 tham luận tập trung vào các nội dung chính như: Tổng quan về Di sản ký ức và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Giá trị nội dung, hình thức và nghệ thuật đặc sắc của loại hình nghệ thuật này; Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Hệ thống thơ văn chữ trên kiến trúc cung đình Huế bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau (gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ...) trên công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn như một cách thức trang trí đặc biệt, chỉ riêng có tại Cố đô Huế. Trải qua thời gian, dù phải chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự vô tình của con người, Cố đô Huế vẫn còn bảo lưu được một số lượng rất lớn hệ thống thơ văn độc đáo này. Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam ; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đó thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương thời Nguyễn, một di sản tư liệu độc đáo có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được lập hồ sơ đề cử vào Danh mục Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.
Nguồn Vanhoa.gov.vn