TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện NCPTDL:
Năm 2016, Bộ VHTTDL giao Viện NCPTDL thực hiện nhiệm vụ môi trường “Xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dựa trên các mối quan hệ giữa hoạt động của các cơ sở du lịch và dịch vụ với môi trường và tài nguyên, phân tích các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và quản lý du lịch; kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng và ban hành các tiêu chí về bảo vệ môi trường, nhiệm vụ đã đề xuất Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ (bao gồm cơ sở ăn uống; cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: Nhóm tiêu chí bắt buộc gồm các tiêu chí là cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch; Nhóm tiêu chí khuyến khích bao gồm những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ của cơ sở.
Trong bối cảnh Du lịch Việt Nam đang đối mặt với sự ô nhiễm môi trường và suy giảm giá trị tài nguyên, việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chí nêu trên là hết sức cần thiết. Để có thể tiếp tục hoàn thiện hơn nữa bộ tiêu chí và nâng cao tính hiệu quả cho việc áp dụng bộ tiêu chí nói riêng, công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch nói chung, bộ tiêu chí cần điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn. Các tiêu chí có nội dung cụ thể hóa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường là các tiêu chí bắt buộc do vậy các cơ sở cần phải dần hoàn thiện để đáp ứng. Tuy nhiên, cần có các hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ kịp thời khó khăn để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện.
TS Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình:
Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là “Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới” đã tạo động lực để Du lịch Ninh Bình có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 13,7%/năm;
Tuy nhiên, gần đây lượng khách đến với Ninh Bình ngày một tăng nhanh, vượt quá “sức chứa” của các khu, điểm du lịch. Chính điều này đã tạo nên sức ép không nhỏ cho môi trường du lịch vào mùa cao điểm. Tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp nhằm giảm tải, phân luồng lượng khách giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh như: mở thêm một số tour, tuyến, xây dựng chương trình kích cầu vào mùa thấp điểm, đồng thời tuyên truyền để khách du lịch và người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan tại các khu, điểm du lịch, nhất là những khu vực nằm trong vùng di sản thế giới; thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cảnh quan, bảo vệ di sản, thực hiện ứng xử văn hóa, văn minh và an toàn du lịch cho cán bộ và người dân trực tiếp tham gia dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch quan trọng. Do vậy môi trường du lịch (cả tự nhiên và xã hội) tại các khu, điểm du lịch đã được cải thiện tương đối tốt, hầu như không còn hiện tượng ăn mày, ăn xin, chèo kéo, trộm cắp và điều này đã được nhiều chuyên gia, các hãng lữ hành trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao.
Để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển du lịch bền vững, xuất phát từ thực tế công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường dành riêng cho khu, điểm du lịch quốc gia. Trong đó quy định những nội dung mới như du lịch bền vững hướng tới du lịch có trách nhiệm, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm.
Hai là, công tác quy hoạch các khu du lịch phải đảm bảo tính khoa học để không làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di sản, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng.
Ba là, tăng cường năng lực quản lý môi trường, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch, hành vi xâm hại đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong toàn xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Năm là, phát triển sinh kế cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch cộng đồng.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa phương thức hợp tác trong phát triển du lịch bền vững. Các nhà đầu tư, tài trợ, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội trong và ngoài nước có thể tham gia và đóng góp trong việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành – TCDL:
“Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2013 đã xác định được 45 khu vực có tiềm năng để đầu tư phát triển thành các khu du lịch quốc gia. Tính đến nay, mới chỉ có 15 khu vực đã và đang được lập quy hoạch để phát triển du lịch một cách bài bản, đồng bộ; các khu vực còn lại vẫn đang đầu tư khai thác tài nguyên để phát triển du lịch một cách tự phát.
Một số địa phương đã thành lập các ban quản lý khu/điểm du lịch với chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, nhưng phần lớn các địa phương còn lại vì thiếu cơ sở pháp lý nên chưa thành lập được ban quản lý khu/điểm du lịch. Điều này là rào cản cho việc quản lý đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn nói riêng, quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn nói chung.
Để tăng cường quản lý hiệu quả các điểm đến du lịch địa phương nói chung, các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia nói riêng, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của Du lịch Việt Nam, ngành Du lịch đã nỗ lực xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia, các vùng, các địa phương, các khu, điểm du lịch... Tháng 12/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống tiêu chí đánh giá các khu du lịch, điểm du lịch. Đây sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư định hướng đầu tư điểm đến cũng như hình thành cơ chế, bộ máy quản lý điểm đến phù hợp nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng hàng loạt các kế hoạch, các đề án tăng cường quản lý hoạt động du lịch, tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch với mục đích:
- Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội nghề, cộng đồng dân cư địa phương trong khai thác, quản lý điểm đến du lịch, nâng cao chất lượng điểm đến du lịch
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của ngành Du lịch từ Trung ương đến địa phương, chủ động trong các chương trình, hoạt động, góp phần tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đảm bảo môi trường du lịch tại các điểm đến du lịch.
Một số nhiệm vụ cơ bản trước mắt cần thực hiện của kế hoạch là:
- Phát động Chiến dịch nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch với khẩu hiệu thể hiện tôn chỉ chất lượng: sạch sẽ, hấp dẫn, bản sắc, thân thiện
- Áp dụng bộ “Quy tắc ứng xử văn minh du lịch” trong hoạt động du lịch tại các điểm đến du lịch
- Triển khai áp dụng thí điểm bộ tiêu chí đánh giá, phân loại, xếp hạng chất lượng, dịch vụ phục vụ khách du lịch đối với các khu, điểm du lịch...
Bên cạnh việc xác định mục đích, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, Kế hoạch này còn chỉ rõ nhiệm vụ của từng đối tượng có liên quan đến hoạt động du lịch tại các điểm đến, đặc biệt là các chủ thể quản lý điểm đến làm cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch.
Bước đầu áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch với hai nhóm điểm đến thông dụng là các khu du lịch, các điểm du lịch ở một số địa phương đã cho thấy, các điểm đến này đều đạt được điểm gần như tối đa về sự hấp dẫn của tài nguyên, về sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch, điểm cho cơ sở hạ tầng tiếp cận khu du lịch, điểm du lịch cũng khá cao. Tuy nhiên, hầu hết các khu/điểm du lịch được đánh giá thông qua bộ tiêu chí đều đạt điểm quản lý rất thấp gồm cả quản lý chung toàn khu, quản lý vệ sinh môi trường và đạt điểm thấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Điều này càng chứng tỏ sự yếu kém về công tác quản lý điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay; cũng cho thấy sự cần thiết của việc triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý điểm đến mà ngành Du lịch đang triển khai...
|