(VTR) Ngày 22/8/2013, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tổ chức Hội thảo “Định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam” tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có lãnh đạo TCDL, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc TCDL, các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Dự án EU, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, một số Bộ, ngành địa phương liên quan, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch trên toàn quốc, các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế…
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần triển khai Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai kế hoạch thực hiện “Chiến lược marketing của Du lịch Việt Nam” cũng như hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp du lịch nói riêng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đánh giá: trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững, tốc độ phát triển giảm dần, sản phẩm du lịch chưa phong phú, sức cạnh tranh chưa cao, hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch chưa được như mong đợi. Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, thương hiệu và có khả năng cạnh tranh. Do vậy, việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam là một nhiệm vụ mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo đã nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày các tham luận mang tính định hướng và lý luận, một số kinh nghiệm phát triển thành công thương hiệu du lịch trong nước và trên thế giới, trong đó có các chủ đề như: “Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”, “Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch trong chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020”, “Kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch”, “Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu lữ hành Saigontourist”, “Ẩm thực du lịch Việt và khả năng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trên toàn cầu”...
Hội thảo cũng đã tiến hành thảo luận theo 4 nhóm chuyên đề gồm: Vai trò và định vị thương hiệu điểm đến du lịch; các giải pháp định vị, phát triển thương hiệu doanh nghiệp du lịch; các giải pháp định vị, phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch; giải pháp về quản trị và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Xung quanh việc định hướng phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam còn rất nhiều điều cần phải bàn, nhưng đa số các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí, muốn xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch, cần quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam, tạo ra sự độc đáo, riêng biệt của Du lịch Việt Nam với các nước khác. Có như thế, thương hiệu Du lịch Việt Nam mới thực sự trở thành một đòn bẩy quan trọng trong khai thác tiềm năng du lịch của mỗi địa phương, mỗi vùng.
PV