Tham dự chương trình khai mạc có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến, trên 600 đại biểu đại diện Đại sứ quán Indonesia, Ma rốc, cơ quan xúc tiến du lịch Malaysia, Nhật Bản tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh phía Bắc cùng đông đảo các doanh nghiệp du lịch 3 miền.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng nhấn mạnh, ba năm qua là quãng thời gian thử thách với Ban lãnh đạo Câu lạc bộ và toàn thể doanh nghiệp hội viên. Trước sự bùng phát của bệnh dịch COVID-19 tại các thành phố lớn trên cả nước và ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch. Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và ngành Y tế tích cực chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ chú trọng nâng cao, năng lực cho hội viên Câu lạc bộ, tổ chức các chương trình tọa đàm, đào tạo. Câu lạc bộ đã chủ trì cùng các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch nội địa làm mới các sản phẩm đặc sắc như tour du lịch tàu hỏa, tổ chức hàng chục chuyến Famtrip triển khai sản phẩm đến hầu hết các địa phương miền Bắc, miền Trung, Cà Mau. Từ tháng 4/2022, Câu lạc bộ đã cùng với các doanh nghiệp hội viên phối hợp với các hãng hàng không tổ chức nhiều chuyến khảo sát tuyến điểm châu Âu, Anh, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Indonesia… qua đó tạo sức bật cho các doanh nghiệp du lịch có nhiều hơn các cơ hội để cùng liên minh, liên kết, cùng nhau phát triển. “Với mục tiêu hành động: Cùng nhau trở lại - cùng nhau kết nối - cùng nhau đoàn kết với cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo, chúng ta sẽ cùng nhau phát triển nhanh, có nhiều bứt phá trong thời gian tới”, ông Hùng chia sẻ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức chương trình hội ngộ 3 miền với thông điệp “Cùng nhau trở lại” thể hiện sự quyết tâm cao của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội trong việc gắn kết các nhà lữ hành chuyên nghiệp, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch trong nỗ lực cùng nhau trở lại, hợp tác và bền vững sau khoảng thời gian dài ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Đề cập đến sự phát triển của ngành Du lịch trong hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đã có bước phát triển mạnh mẽ. Phó Tổng cục trưởng đánh giá cao sự đóng góp không nhỏ của hệ thống doanh nghiệp lữ hành, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch và những cá nhân đã và đang hoạt động trong ngành Du lịch.
Bằng sự tâm huyết và sức lao động của mình đã chung tay, góp sức đưa Việt Nam từng bước trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Thông qua chương trình, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị, các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch trên cả nước quyết liệt hành động, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa; nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế. “Đề nghị Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò hội tụ, kết nối các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên khắp cả nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Chương trình UTF 2023 trở lại với nhiều điểm mới, nổi bật là quy mô tổ chức được nâng tầm và mở rộng với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như: Sun Group, Vin Group, Tập đoàn Mường Thanh cùng với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air và các hãng hàng không nước ngoài. Đồng thời, còn có sự tham gia của cơ quan xúc tiến du lịch Malaysia, Nhật Bản. Nổi bật trong chương trình là các doanh nghiệp du lịch tham gia hoạt động: Kết nối doanh nghiệp và tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới”. Tọa đàm gồm các chủ đề chính như: Kinh nghiệm phát triển du lịch của Hà Nội và quốc gia trong khu vực sau đại dịch. Xu hướng thay đổi của khách du lịch trong tương lai, kinh nghiệm từ các nước cho Việt Nam; Tác động của việc mở cửa bầu trời, đường bay đến các thị trường du lịch trong tình hình mới. Chia sẻ Chiến lược phát triển và hợp tác với doanh nghiệp lữ hành của tập đoàn, chuỗi khách sạn; Sự thay đổi và thích nghi cho các doanh nghiệp inbound, nội địa cũng như hệ thống nhà cung cấp dịch vụ sau khi mở cửa du lịch; Liên kết - hợp tác - phát triển sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, trên 60 doanh nghiệp cùng các đại biểu tham gia chương trình famtrip Hop on- hop off Hà Nội City tại Khu Hoàng thành Thăng Long và Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) bằng xe buýt 2 tầng nhằm tìm hiểu điểm đến và phối hợp xây dựng các tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới.
Tuấn Sơn