Nhiều nỗ lực phục hồi ngành Du lịch
Thời gian qua, nhiều hoạt động quan trọng đã diễn ra liên quan tới mục tiêu thúc đẩy du lịch, đặc biệt những giải pháp thu hút du khách quốc tế. Điển hình là Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/3/2023 và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 19/3/2023. Đây là những sự kiện quan trọng diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa trở lại đón khách quốc tế trong tình hình mới, tại đó đã chỉ ra rất rõ những hạn chế, điểm nghẽn và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm đưa du lịch phục hồi bền vững và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, trong gần 1 năm hoạt động du lịch chính thức mở cửa, Viêt Nam đã triển khai nhiều chương trình quảng bá, kích cầu lớn, trong đó có hai chương trình là “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” thúc đẩy du lịch nội địa và “Live Fully in Vietnam” hướng tới thị trường quốc tế. Hàng loạt hoạt động liên kết hợp tác, kích cầu du lịch cũng đã được tổ chức tại các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc.
Những chương trình này thực sự góp phần giúp ngành Du lịch tại Việt Nam khởi sắc trở lại. Số lượng khách nội địa năm 2022 đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra.
Kinh nghiệm phát triển du lịch trên thế giới cho thấy, việc thu hút tốt khách quốc tế sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Ngay cả với Việt Nam, năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch. Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, đặc thù khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu cũng không bằng.
Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định việc phát triển du lịch của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiều giải pháp phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam.
Ngoài các giải pháp có tính căn bản, dài hạn thì Thủ tướng đã yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam; sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”,…
Đây là các định hướng rất quan trọng và để triển khai hiệu quả cần được cụ thể hóa thành các chương trình hành động thực tế của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, từ đó mang lại tác động sớm.
Khơi thông các điểm nghẽn để phát triển du lịch
Chia sẻ tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, với mỗi công việc được tạo ra trực tiếp trong ngành du lịch, gần 1,5 công việc khác tăng thêm được tạo ra theo một cách gián tiếp hoặc phát sinh. Việc phục hồi ngành du lịch sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, hỗ trợ chuyển dịch lao động dôi dư các ngành sản xuất đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp.
Theo thống kê cho thấy, trong năm 2019, du lịch Việt Nam tạo hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp 9,2% GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD). Đây là con số đầy ý nghĩa nhưng so với mặt bằng chung toàn cầu thì vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Nhưng vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn? Cần có những giải pháp cụ thể, khả thi nào trong các chương trình hành động để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước, sớm thu hút du khách trở lại đông hơn?
Chia sẻ các giải pháp thu hút khách quốc tế, PGS. TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cần tạo đòn bẩy phục hồi thị trường khách quốc tế từ chính sách visa. Chính sách thị thực rất quan trọng, là cầu nối để du khách có thể nhìn nhận một điểm đến có thật sự hấp dẫn hay không. Và cũng phải nhìn nhận rằng, độ mở chính sách visa là một tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch và lữ hành của điểm đến, cũng chính là khả năng thu hút du khách quốc tế. Hiện nay chính sách thị thực của Việt Nam có nhiều hạn chế so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia nhưng chỉ có 34 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần. Đây thực sự là một “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh.
Chúng ta cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam. Thậm chí với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… chúng ta có thể tăng số ngày lưu trú của họ lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu càng chi nhiều tiền. Đồng thời, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng. Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách. Với đa phần du khách, họ không ngại mất phí, điều họ quan tâm là thủ tục có thông thoáng, nhanh gọn hay không.
Cùng quan điểm, bà Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, cần mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, kéo dài thị thực lên 30 đến 45 ngày và được gia hạn nhiều lần, tương tự như Thái Lan. Đồng thời, mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, tên miền nên được thay đổi để khách nước ngoài dễ tìm kiếm hơn, giao diện thân thiện với khách du lịch quốc tế. Những biện pháp này sẽ khuyến khích nhiều khách du lịch chọn Việt Nam làm điểm đến và tăng mức chi tiêu, cũng như mức độ hài lòng từ du khách. Bên cạnh đó cần cải thiện dịch vụ tại các sân bay. Một thách thức khác đối với khách du lịch là thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này có thể sinh ra sự khó chịu và bất tiện, nhất là với các gia đình có trẻ em hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc. Theo bà Martin Koerner để giải quyết vấn đề này, Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét. Ngoài ra, thiết kế, bày trí của các quầy và khu vực nhập cư, cần tạo ấn tượng đầu với các du khách quốc tế.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI) cũng cho rằng Việt Nam tạo điều kiện và mở cửa thông thoáng nhất có thể, dưới mọi hình thức để chào đón khách quốc tế. Đồng thời, tận dụng tốt nhất những lợi ích của việc mở cửa visa giúp nền kinh tế phát triển. Chính sách visa được điều chỉnh cởi mở, đột phá cũng sẽ góp phần xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam, một quốc gia không chỉ giàu tiềm năng du lịch mà còn năng động, linh hoạt trong chính sách thu hút du khách, đón thời cơ vàng để phục hồi.
“Chúng ta cũng cần định hướng và xây dựng những sản phẩm du lịch có nét riêng biệt gắn liền với giá trị văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên; quan tâm hơn đến loại hình du lịch cộng đồng, vì đây là xu hướng, nhu cầu của du khách trong giai đoạn mới. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần có nhiều sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút du khách hạng sang, có mức chi tiêu cao. Đơn cử như cần đầu tư xây dựng và quảng bá những trung tâm mua sắm cao cấp, sân golf, resort đẳng cấp thế giới và công viên giải trí hiện đại... Dòng khách sang trọng sẽ mang đến nguồn ngoại tệ lớn cho ngành du lịch, dịch vụ.” ông Phạm Hải Quỳnh chia sẻ thêm.
Đồng tình với các kiến nghị, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng cần nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường phù hợp, tương tự đối với các sản phẩm du lịch, phải đổi mới các sản phẩm để phù hợp với thị trường; cần đa dạng hóa thị trường du lịch. Phó Tổng Giám đốc Vietravel cũng đề xuất tăng cường khai thác du lịch cao cấp quốc tế khách du lịch MICE đến Việt Nam với các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế, đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao, văn hoá quốc tế… tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương.
Nhâm Hiền