Hội nghị Xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Lạng Sơn “Trải nghiệm và cảm nhận” có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh Lạng Sơn cùng lãnh đạo hơn 50 đơn vị kinh doanh lữ hành trong nước và quốc tế.
Du lịch Lạng Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Năm 2022, du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổng lượng khách du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ, ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách, đạt 101,16% so với kế hoạch, tăng 115,66% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 2.100 tỷ đồng, đạt 80,77% so với kế hoạch, tăng 171,67% so với cùng kỳ. Du lịch Lạng Sơn đã có bước phát triển cả về lượng khách, doanh thu và phát triển các sản phẩm du lịch. Công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch được thực hiện hiệu quả; tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư từ đó đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, trong đó có những tập đoàn có kinh nghiệm và tiềm lực lớn như Sungroup, Vingroup, Sovico….; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; thị trường du lịch được mở rộng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch được từng bước được nâng cao; sản phẩm du lịch phát triển với một số loại hình du lịch đặc trưng (du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng,...) có sức cạnh tranh cao, dần khẳng định thương hiệu và hình ảnh du lịch của tỉnh. Ngành du lịch từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Tại Hội nghị đã có 7 đơn vị của tỉnh Lạng Sơn thuyết trình điểm đến, 9 ý kiến của đại diện các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, đại diện Tổng cục Du lịch cho thấy: Hạn chế của du lịch Lạng Sơn hiện nay chính là việc phát huy các tiềm năng, sản phẩm đã có, xây dựng sản phẩm đặc thù và đào tạo nguồn nhân lực, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp… để tạo cho Lạng Sơn thành điểm đến được du khách biết đến nhiều hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đánh giá, công tác phát triển du lịch ở Lạng Sơn vẫn còn nhiều hạn chế như việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch để tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng; đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao; sự phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa theo kịp xu thế hội nhập và phát triển hiện nay và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Với vai trò là đơn vị đầu tàu, định hướng phát triển của ngành Du lịch, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho rằng, vấn đề đầu tiên trong phát triển du lịch là sản phẩm. Du lịch Việt Nam cần làm mới lại sản phẩm đã có, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của các thị trường khách, kể cả thị trường nội địa và quốc tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá, đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự quan tâm đầu tư của hệ thống chính trị các cấp, sự chủ động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Chất lượng dịch vụ, lực lượng lao động, nguồn nhân lực du lịch... cũng là những vấn đề cần được quan tâm. Riêng đối với Lạng Sơn, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương khẳng định, “cần quan tâm hơn vấn đề liên kết với các địa phương, liên kết giữa các doanh nghiệp trên hệ thống dịch vụ của mình với các doanh nghiệp để đưa khách đến”.
Từ những góp ý của các đại biểu, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết thêm: Để du lịch Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Hội nghị du lịch toàn quốc ngày 15/3/2023 - “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Lạng Sơn cũng đã có những định hướng chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Cụ thể, Lạng Sơn sẽ tiếp tục khai thác các lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch. Từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Xuân Huyên tin tưởng với các cơ chế, chính sách của tỉnh hướng về cộng đồng doanh nghiệp, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp lớn trong, ngoài tỉnh, du lịch Lạng Sơn sẽ có bước chuyển mình, khẳng định được thương hiệu du lịch của tỉnh. Đồng thời, ông Huyên cũng đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch tỉnh, các sở ngành tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng; củng cố và mở rộng các tuyến tham quan du lịch trên cơ sở phát huy tài nguyên du lịch của địa phương. Đặc biệt, ông Huyên cũng mong muốn Tổng cục Du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hợp tác để đưa du lịch Lạng Sơn có những bước phát triển mới.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với Công ty Cổ phần du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).
Trước đó, trong khuôn khổ của Hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến Du lịch Lạng Sơn “Trải nghiệm và cảm nhận”, đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng đã khảo sát một số điểm đến tiêu biểu của huyện Hữu Lũng: Làng Du lịch cộng đồng Hữu Liên, danh thắng hồ Đồng Lâm; tham quan, trải nghiệm khu sinh thái dã ngoại Michi Camp, trải nghiệm các hoạt động dã ngoại tại hồ Nong Dùng (xã Hữu Liên); Tham quan, trải nghiệm các vườn cây ăn quả có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp tại xã Yên Thịnh; tham quan tìm hiểu tại Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng - nơi được ví như “Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới”.
Anh Hoa