(VTR) Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia – Một điểm đến” đã được tổchức tại khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Du lịch 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, cùng 200 đại biểu đến từ các nước trong khu vực, đại diện Bộ, Ngành, địa phương, cơ quan du lịch quốc tế và Việt Nam.
Với chủ đề “Bốn quốc gia - Một điểm đến”, hội nghị đã diễn ra các phiên thảo luận theo chuyên đề về thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tạo điều kiện đi lại cho khách… Hội nghị có sự tham gia, trình bày thảo luận của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương, các doanh nghiệp, các bên liên quan. Đây thực sự là dịp để các đại biểu chia sẻ thông tin, cập nhật những nét mới về chính sách thu hút đầu tư, từ đó đề xuất biện pháp thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch và cũng là cơ hội để giới thiệu 4 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam – một khu vực hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Đây là sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng du lịch, góp phần mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và cộng đồng địa phương tại 4 nước.
Trong những năm qua, du lịch 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam có những bước phát triển mạnh, là một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tăng trưởng về lượng khách của 4 nước luôn cao hơn mức tăng bình quân của khu vực ASEAN và thế giới. Vượt lên những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2010, 4 nước đã đón được khoảng 10,9 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm trước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thu Ngân
Phát biểu tại hội nghị, các Bộ trưởng đã nêu bật những tiềm năng du lịch to lớn của các nước này, cùng khẳng định hướng tới việc quảng bá 4 nước là một điểm đến chung, đa dạng và có sức hấp dẫn đối với du khách và là tiền đề tăng cường sự hợp tác phát triển nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia láng giềng trong khu vực.
PV