Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội thảo có sự tham dự của trên 200 đại biểu là lãnh đạo ngành Du lịch, các bộ ngành có liên quan, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Phạm Thành Tươi cho biết: Với nhiều tiềm năng và lợi thế, du lịch ĐBSCL đã thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước trên 16%/năm, doanh thu tăng trên 23%/năm. Năm 2010, du lịch ĐBSCL đã đón 9,236 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1,222 triệu lượt, chiếm 8% lượt khách du lịch của cả nước, thu nhập từ du lịch của vùng ĐBSCL đạt 1.993 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tốc độ tăng trưởng về lượng khách và thu nhập du lịch so với cả nước vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng, của địa phương, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đảm bảo, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù riêng của từng địa phương, cần phải tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách hợp tác đầu tư, liên kết hợp tác về quảng bá xúc tiến du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, tiến tới xây dựng thương hiệu chung cho du lịch vùng ĐBSCL, đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư hạ tầng cũng như vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch.
Hiện có 88 dự án tại ĐBSCL được giới thiệu mời gọi đầu tư. Trong đó, có 18 dự án về khách sạn - nhà hàng, 55 dự án về khu nghỉ dưỡng - khu du lịch sinh thái - điểm tham quan du lịch, 8 dự án về hạ tầng giao thông và nhiều dự án khả thi thuộc lĩnh vực khác của ngành Du lịch. Tổng vốn đầu tư của các dự án hơn 19.230 tỷ đồng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, định hướng phát triển du lịch và những giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Có nhiều đề xuất để phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, cùng với việc xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, tăng cường phối hợp liên ngành trong huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong phát triển du lịch là các nhóm giải pháp tổng thể về quy hoạch, cơ chế chính sách, ngành, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư cho du lịch của vùng trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế./.
Phương Hiền