Hội nghị tập huấn, phổ biến các Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ
|
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hoàng Tuấn Anh đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hội nghị cũng được nghe GS.TS Đinh Xuân Dũng – Ban Tuyên giáo TW và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ VHTTDL Hồ Việt Hà phổ biến một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 23 – NQ/TW. Đây được coi là một trong 3 dấu mốc quan trọng tạo bước ngoặt trong chiến lược lãnh đạo văn hóa của Đảng. Nghị quyết số 23 – NQ/TW dành riêng cho văn học, nghệ thuật, tập trung trong 5 hoạt động cốt lõi, quan trọng là sáng tác; lý luận, phê bình; sản xuất, công bố, trình diễn, sử dụng, truyền bá các tác phẩm (bao gồm cả giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật); đội ngũ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động văn học, nghệ thuật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức, đầu tư, tài trợ đối với hoạt động văn học, nghệ thuật.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu phổ biến Quyết định 581/QĐ/TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”. Việc xây dựng “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” là nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu: là cơ sở hoạch định quy hoạch, kế hoạch để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển văn hóa một cách đồng bộ, tiên tiến; nâng cao trình độ và chất lượng đào tạo văn hóa, nghệ thuật ngang tầm khu vực; hoàn thành về cơ bản việc xây dựng các thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương.
Sau hai năm thi hành Luật Điện ảnh, Luật Di sản Văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, trong đó có những khác biệt so với pháp luật quốc tế. Để sớm khắc phục những tồn tại và bất cập đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Luật Di sản Văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo thực hiện cam kết khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là cần thiết, tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động quản lý và phát triển phù hợp với xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế.
Cùng với việc từng bước hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật, chắc chắn trong thời gian tới văn hóa, nghệ thuật sẽ có những khởi sắc, xứng đáng là một bộ phận quan trọng và tinh tế của văn hóa góp phần củng cố và phát triển nền tảng tinh thần của xã hội.
Bài và ảnh: Thanh Hiền