Hội nghị tập trung thảo luận về hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong các lĩnh vực: xây dựng sản phẩm, xúc tiến và quảng bá du lịch; phát triển nhân lực du lịch; và tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại. Theo đó, hội nghị thống nhất đánh giá và đưa ra một số định hướng hợp tác, cụ thể:
Về xây dựng sản phẩm du lịch: tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sông nước, du lịch sinh thái cộng đồng; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhiều chương trình du lịch liên kết các tỉnh thuộc hành lang với các khung thời gian dài ngắn khác nhau; chú trọng chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vệ sinh, an toàn cho du khách; đồng thời, xem xét thị trường khách hướng tới để có sản phẩm phù hợp.
Về xúc tiến và quảng bá du lịch: ghi nhận nỗ lực của Thái Lan trong xúc tiến du lịch Tiểu vùng nói chung và hành lang du lịch phía Nam nói riêng. Một số hoạt động xúc tiến đã được tích cực triển khai như tổ chức đoàn FAM caravan hữu nghị, họp báo về du lịch CLMTV tại Hội chợ TTM+,… Hội nghị ghi nhận chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2017 của Thái Lan sẽ tập trung xây dựng sản phẩm và quảng bá cho các điểm du lịch mới để giảm tải khách đến các điểm du lịch truyền thống, đã quen thuộc; đồng thời, đề nghị Thái Lan cung cấp thông tin về các điểm đến thuộc Hành lang mà Thái Lan sẽ tập trung phát triển để định hướng cho doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Thái Lan sẽ có kế hoạch xúc tiến quảng bá cho các sản phẩm du lịch kết nối 3 nước do Việt Nam điều phối xây dựng trên cơ sở có sự tham gia của các địa phương thuộc hành lang phía Nam.
Về phát triển nguồn nhân lực: ghi nhận việc Thái Lan đã đào tạo ngắn hạn về du lịch sinh thái cho cán bộ du lịch của Campuchia; ghi nhận đề xuất của Thái Lan về tổ chức đào tạo ngắn hạn cho hướng dẫn viên về du lịch di sản trong năm 2017; đồng thời, đề nghị Thái Lan xem xét mở rộng quy mô đào tạo để mỗi tỉnh trong hành lang đều có đại diện tham dự khóa đào tạo này.
Về tạo thuận lợi đi lại: ghi nhận và hoan nghênh việc Campuchia áp dụng chính sách thị thực điện tử (e-visa); Thái Lan sẽ nâng cấp 1 cửa khẩu quốc gia giáp với Campuchia lên cửa khẩu quốc tế. Hội nghị thống nhất cho rằng visa là vấn đề ngoài thẩm quyền của ngành Du lịch. Tuy nhiên, các nước sẽ cùng phối hợp để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền liên quan nhằm tạo thuận lợi đi lại hơn cho du khách. Hội nghị ghi nhận kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan tới vấn đề thị thực và cấp phép cho xe qua lại 3 nước: đề nghị Việt Nam áp dụng cấp visa tại cửa khẩu mà không yêu cầu xét duyệt trước; đề nghị Campuchia thu phí visa đúng với biểu phí đã ban hành; đề nghị Campuchia đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép cho xe ô tô du lịch vào nước này.
Hành lang du lịch phía Nam là một trong 11 tuyến du lịch chuyên đề thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Hành lang phía Nam gồm 13 tỉnh, trong đó Việt Nam có 5 tỉnh tham gia là An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị lần này đã tạo cơ hội cho các tỉnh của 3 nước giới thiệu, quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch, chia sẻ kết quả hoạt động và định hướng phát triển du lịch; thống nhất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa tỉnh và gắn kết mật thiết giữa các doanh nghiệp; ghi nhận đề nghị cần định kỳ tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hội nghị lần thứ 4 về hợp tác du lịch hành lang phía Nam sẽ được tổ chức tại Thái Lan, vào tháng 5/2017.
Trần Phương Nhung