Tính đến nay, TP. Hội An mới chỉ xây dựng được 1 nhà máy xử lý rác thải và 1 lò đốt rác với công suất thiết kế 80 - 100 tấn/ngày đêm. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành, nhà máy này chỉ đạt tối đa 50 tấn/ngày đêm trong khi lượng rác thải ra của thành phố trung bình từ 60 - 80 tấn/ngày và có xu hướng tăng thêm khi các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển nhanh như hiện nay.
Mới đây, TP. Hội An đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Pháp tài trợ hơn 94 tỷ đồng, có công suất 6.750m3/ngày đêm. Ngoài ra, từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản khoảng 220 tỷ đồng, chính quyền thành phố đã chọn đơn vị thi công xây dựng nhà máy tại khu vực chùa Cầu vào đầu năm 2017. Dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng để giải quyết thêm 20% lượng nước thải của thành phố, đặc biệt tại khu vực chùa Cầu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hội An, TP. Hội An đã quy hoạch chuẩn bị xây dựng thêm một số trạm xử lý nước thải tại khu dân cư làng chài, các khu dân cư tập trung nhằm giải quyết cơ bản vấn đề nước thải. Cùng với việc đầu tư các dự án giải quyết vấn đề rác thải, nước thải, TP. Hội An đã phát động nhiều chương trình hoạt động như: chương trình phân loại rác tại nguồn, thu gom và đổ rác đúng nơi quy định, “nói không” và giảm thiểu sử dụng túi nilon, hưởng ứng “Giờ Trái đất” hàng năm, xây dựng “Thành phố du lịch không khói thuốc lá"…
Trong thời gian tới, TP. Hội An sẽ ưu tiên đối với các doanh nghiệp đầu tư sử dụng thiết bị bền vững, xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong từng dự án. Các ngành chức năng của thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ, buộc các doanh nghiệp khi xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, phải sử dụng những thiết bị hạn chế tối đa tiêu hao năng lượng, sử dụng năng lượng thân thiện, ít phát thải ra môi trường.
HN