Trên thế giới, hoạt động du lịch với mục đích học tập và nghiên cứu đã có từ lâu trong các trường đại học và các trường phổ thông ở các nước phát triển (Gap-Year, Edutour). Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu thực địa thông qua các chuyến đi đến các điểm du lịch chuyên biệt. Với đối tượng khách du lịch này, tùy vào chuyên ngành học tập và nghiên cứu mà tài nguyên hay giá trị nổi bật của điểm đến được lựa chọn.
Theo TS. Jeff Javis, chuyên gia về du lịch của Đại học Monash tại Australia, hàng năm ông thường xuyên đưa các đoàn sinh viên đi học tập và nghiên cứu tại các điểm đến khác nhau từ châu Âu, châu Á đến khu vực các đảo Thái Bình Dương. Lựa chọn ưu tiên của các điểm đến phải thỏa mãn điều kiện an toàn, sự phát triển du lịch mang lại nhiều bài học nổi bật cho sinh viên và quan trọng nhất là điểm đến có những chuyên gia địa phương giúp cho hoạt động học tập và nghiên cứu có tính thực tiễn cao nhất. Vì thế, sự kết nối giữa điểm đến, chuyên gia địa phương và các tổ chức, các viện nghiên cứu và trường học có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến một điểm đến du lịch học tập và nghiên cứu.
Tại Việt Nam, hoạt động du lịch học tập nghiên cứu đã bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn từ việc tổ chức cho sinh viên, học sinh các trường đi thực tế du lịch, đến việc đón tiếp và phục vụ các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham quan và nghiên cứu. Ngoài các chương trình du lịch, các hoạt động hội nghị, hội thảo gắn liền với trao đổi và nghiên cứu càng làm cho nhiều điểm đến được các chuyên gia về du lịch học tập, nghiên cứu và hội nghị, hội thảo biết đến.
Năm 2019 là một năm gặt hái được nhiều thành công đối với Hội An. Giải thưởng “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á năm 2019” do Tổ chức Du lịch thế giới trao tặng đã cho thấy chính sách phát triển du lịch hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Có thể nói, hiếm có địa phương nào có sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế về bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa và môi trường như Hội An. Bên cạnh phố cổ Hội An là Di sản Văn hóa thế giới và nghệ thuật bài chòi là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, Hội An còn có hệ sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh gắn liền với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Ngoài ra, các mô hình du lịch cộng đồng cũng được phát triển, đóng góp tích cực vào việc tạo ra trải nghiệm thú vị cho du khách đến với Hội An. Hoạt động du lịch tại làng rau Trà Quế, rừng dừa Cẩm Thanh và làng gốm Thanh Hà đã tạo nên những nét đặc trưng rất riêng của Hội An. Tham gia lớp học nấu ăn và thưởng thức ẩm thực địa phương, trải nghiệm ở tại nhà dân (homestay), học làm gốm, một ngày làm nông dân hay chèo thuyền thúng… được nhiều du khách yêu thích. Các dự án liên kết nghiên cứu và học tập của các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm nghiên cứu cũng giúp Hội An đào tạo và phát triển nhiều chuyên gia về bảo tồn và phát triển bền vững. Đây chính là những chuyên gia địa phương có kiến thức và kỹ năng tiếng Anh để giao tiếp và trao đổi những kiến thức chuyên sâu với các đối tượng khách du lịch học tập và nghiên cứu. Tất cả những sản phẩm và dịch vụ du lịch, các nguồn lực chuyên gia này là thành quả của những chính sách và biện pháp quản lý và điều hành hướng đến du lịch bền vững.
Chính định hướng phát triển bền vững việc khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường tự nhiên đã tạo nên một Hội An - điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu, sinh viên và học sinh để tìm hiểu và học hỏi. Những năm vừa qua, Hội An đã đón rất nhiều các đoàn khách trong và ngoài nước đến với Hội An với mục đích học tập và nghiên cứu.
Việc phát triển Hội An trở thành điểm đến cho mục đích học tập và nghiên cứu mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động du lịch của địa phương. Những khách du lịch trong nhóm này thường được đánh giá là nhóm khách có ý thức tôn trọng và trân trọng các giá trị văn hóa và tự nhiên của điểm đến. Việc sử dụng các dịch vụ du lịch có tính bền vững giúp cho các cơ sở kinh doanh của người dân địa phương có được doanh thu tốt. Thêm vào đó, việc học tập và nghiên cứu của nhóm khách này cũng góp phần mang lại cho người làm du lịch và các cấp quản lý những ý kiến đóng góp có tính chuyên môn cao, đặc biệt là ý kiến chia sẻ của những chuyên gia, giảng viên và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Từ đó, Hội An có thể lắng nghe và có những điều chỉnh để hoạt động du lịch ngày càng tốt hơn.
Một lợi ích rất lớn mà hoạt động du lịch học tập và nghiên cứu mang lại chính là hiệu quả cho hoạt động quảng bá điểm đến (destination marketing). Với các nhà nghiên cứu và giảng viên thì thông tin có được tại Hội An sẽ là nguồn dữ liệu hiệu quả cho công việc giảng dạy và phát hành các công trình nghiên cứu. Giảng viên sẽ giúp quảng bá Hội An khi chia sẻ đến nhiều người học trong bài giảng của họ. Mặt khác, nhóm khách du lịch học tập và nghiên cứu cũng là những đối tượng có thể đóng góp tích cực cho các hoạt động bình chọn cho Hội An trong các giải thưởng lớn trên thế giới. Những ghi nhận của họ có sức ảnh hướng lớn đến hình ảnh của Hội An.
Mặc dù Hội An có thể vẫn còn những vấn đề cần phải khắc phục để đạt đến sự phát triển bền vững toàn diện, song những hoạt động du lịch bền vững tại Hội An đã, đang và sẽ thu hút ngày càng nhiều các nhóm du khách đến để học tập và nghiên cứu. Vì thế, Hội An có thể đầu tư nhiều hơn để thu hút nguồn khách này và khai thác các lợi ích mà nhóm khách này mang lại.
Tín Đoàn