
Người, xe cứ thế mà đi trong mờ mờ ảo ảo trắng trời, đoạn nào sương hơi tan loãng mới nhìn ra cái đáy vực sâu ngút phát rùng mình. Nhưng sương mù cũng là một đặc sản của Sapa. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã từng rất nổi tiếng với tác phẩm “Sapa thành phố trong sương”. Từng có người cự nự ông về cái từ “thành phố”. Nhạc sĩ giải thích rằng “thành phố” đây mang nghĩa biểu tượng chứ có tính gì đến mặt hành chính đâu. Rồi qua nhạc phẩm da diết toàn sương trắng hòa cùng mận trắng ấy, tác giả còn muốn nhắn nhủ mong muốn của ông về một địa danh sẽ trở thành thành phố thực sự trong tương lai. Tôi thì không muốn thế. Chưa bao giờ tôi muốn Sapa hóa “phố”. Cái thị trấn nhỏ nhắn dễ thương nên cứ mãi thế này. Từ khu vực nhà thờ đi xuôi xuống dốc, thấy chợ Sapa vẫn nguyên như hơn 10 năm về trước, vẫn những cô gái Dao đỏ rực đứng chen chúc cùng các chàng trai dân tộc Mông quần áo đen chàm, dưới chợ vẫn bán hoa bất tử tươi và những mẹt su su, ngồng cải biết chắc luộc lên sẽ ngọt lịm. Nhưng ngoài chợ ấy ra, cảnh sắc và không khí đã thay đổi nhiều. Các nhà hàng, quán bar, của hàng bán đồ lưu niệm và khách sạn mọc lên, thiết kế rõ Tây. Có đoạn tưởng chừng đang đứng giữa thị trấn châu Âu nếu không thấy những bộ quần áo chàm qua lại rao bán các món đồ thổ cẩm.
Người Pháp tình cờ phát hiện ra thiên đường nghỉ dưỡng Sapa vào mùa đông năm 1903, trong quá trình thám hiểm và đo đạc bản đồ của Sở Địa lý Đông Dương, bước khởi đầu đã xây dựng tới gần 300 biệt thự mà phần nhiều bị tàn phá trong chiến tranh. Đến nay, Sapa đã có khoảng 200 cơ sở lưu trú, bao gồm các khách sạn tư nhân loại nhỏ, dịch vụ homestay và khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao. |
Tôi còn nhớ hồi năm 2005, có ban nhạc đồng quê rất nổi tiếng ở Việt Nam với cái tên ngộ nghĩnh “Lovely Stupid Men” (Ban nhạc này sau được mời sang tham dự Đại nhạc hội ở Florenze, Italia). Ca sĩ chính của nhóm là anh Simon Rolph. Trước Simon có một công việc rất tốt về ngành hội họa ở London. Rồi một sáng đẹp trời, Simon nghĩ “Thế là đủ”. Anh làm đơn xin nghỉ việc, bán nhà và quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới. Trong chuyến viễn du, anh tới Việt Nam và thuê một chiếc xe máy chạy thẳng lên Sapa. Trên đường leo núi, Simon bị gãy chân, ngất xỉu. Sapa thành phố trắng sương đâu chẳng thấy chỉ thấy bốn vách tường trắng toát của bệnh viện. Trong ba tháng an dưỡng tại Hà Nội, một lần Simon đến quán bar và tình cờ gặp Paul Romaine, nhạc sĩ người Australia và một tay contrebasse người Việt ở đó. Thế là thành ban nhạc thành công vang dội. Cho đến lúc gặp tôi, Simon bảo vẫn chưa có cơ hội lên Sapa, anh ta đang sắp xếp để quay trở lại, nhưng không dám đi xe máy nữa.

Sapa có khá nhiều điểm đi lại như thác Bạc, cầu Mây, cổng Trời. Gần có bản Cát Cát, vườn hoa Hàm Rồng, xa hơn chút nữa, nằm về phía Tây Nam có đỉnh Fansipan là một điểm du lịch mạo hiểm mà không mấy ai dám khám phá vào thời tiết này. Với khí hậu tự nhiên như châu Âu, ngoài lợi thế nuôi cá hồi (loài cá chỉ sống được ở những vùng biển đóng băng), thì người Sapa còn trồng được cả một vườn lan vô cùng đắt giá. Ngày xưa đường lên cổng Trời vắng tanh heo hút với vài đứa trẻ dân tộc Mông phong phanh trong lớp áo chàm mỏng lang thang theo khách làm vui, giờ đông đúc người, đông đúc dịch vụ chụp ảnh, đồ lưu niệm, tắm lá thuốc, massage chân, cho thuê quần áo dân tộc Mông, Dao, Sa Phó để ghi hình… Leo lên đỉnh Hàm Rồng để ngắm 400 loài hoa lan, người ta còn được tận hưởng luôn cảnh quan tuyệt đẹp của những cánh rừng thông, rừng samu, rừng đào, lê, mận… chen lẫn giữa sương mù và băng tuyết. Chỉ riêng cái lạnh thôi cũng lại là một “đặc sản” nữa của thị trấn sầm uất nhưng vô cùng lãng mạn này. Nhà văn Đặng Thiều Quang không biết trọ lại Sapa được bao ngày mà đã ra đời được cuốn tiểu thuyết “Chờ tuyết rơi”. Mùa đông, nhiệt độ âm của Sapa lôi kéo nhiều lữ khách thị thành lên đây chờ ngắm băng tuyết.
Đường xuống bản Cát Cát cách đây một thập kỷ còn hoang sơ mấy nếp nhà tranh tồi tàn, giờ đầu dốc san sát những quán cà phê thơ mộng. Quán dựng trên vách núi. Bên ngoài khung kính chỉ còn là một không gian mờ ảo. Đôi tình nhân có thể ngồi bên cửa sổ mà ngắm mây bay, sương tràn trong mùi cà phê Espresso ngào ngạt và những bản nhạc jazz cũ kỹ của Ray Brown, tưởng đâu quên mất tấm kính ngăn cách, ngỡ như đang bồng bềnh giữa sương mù. Bản Cát Cát là nơi quần tụ sinh sống của người Mông, đã từ lâu biến thành điểm du lịch không thể thiếu trong lịch trình lưu lại Sapa. Nhiều ngôi nhà trong bản cũng mở ra hình thức kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm mà phổ biến nhất vẫn là khăn quàng, vỏ gối và túi đeo. Ai vào những ngôi nhà ấy tham quan chẳng nỡ từ chối mua vài món đồ giá rẻ từ bà cụ chủ nhà người Mông phúc hậu, chân tay mặt mũi lúc nào cũng nhôm nhem chàm và bồ hóng.
Dưới chân núi Hàm Rồng, thẳng hướng dẫn lên nhà thờ đá có một cái chợ trời rất thú vị. Ấy là những gian bán đồ nướng quây tạm lúc nào cũng nghi ngút khói bốc lên từ những vỉ than củi. Trời rét cắt da cắt thịt như thế mà ngồi thu lu trong chợ đồ nướng chờ đợi người bán hối hả quạt than cho chín những món ăn đã chọn thực là một hạnh phúc tột đỉnh của những người ham mê ẩm thực. Người ta bán cơm lam nướng, trứng gà nướng, hạt dẻ nướng, cá nướng, thịt lợn rừng nướng, chim rừng nướng, khoai lang nướng… Thức gì cũng có thể nướng lên được. Gió cứ vù vù thốc xuống từ đỉnh núi, còn đây than hồng cứ hồng, sưởi ấm sực những gò má đã cóng lạnh. Đồ nướng được mang ra, xuýt xoa mà bóc mà tách, mà nhấm nháp hương vị vừa ngọt ngào, vừa đậm đà se sắt của núi rừng, có kèm thêm hũ rượu táo mèo cho ấm người nữa thì càng tốt.
Trước khi rời thị trấn xinh đẹp này, tôi cũng thử một lần chui vào cái thùng gỗ ngâm nước lá đen sì của người Dao đỏ. Hơi lá thơm ngây ngát bốc khói nóng rãy. Chẳng biết là những lá gì nhưng khi đứng lên cũng lảo đảo như người say thuốc. Thì ra đây là lá thuốc, tắm đều đặn sẽ có lợi cho sức khỏe, nhưng chủ hàng bảo người nào có bệnh về tim mạch, trẻ con, phụ nữ có thai, người già yếu thì không nên ngâm. Ngâm cũng chỉ có cữ 30 phút, ngâm lâu nữa thế nào cũng ngất luôn trong thùng gỗ. Giờ phiên bản “tắm lá thuốc người Dao đỏ” cũng đã di cư xuống các spa sang trọng ở Hà Nội rồi…
Di Li
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)