Theo tục lệ truyền thống, đúng vào thời khắc giao thừa hay sáng sớm mồng một Tết Nguyên đán, người xưa thường có phong tục bói hoa mai với hy vọng có được một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc… Hoa mai nở rộ, vàng rực nghĩa là điềm đại cát. Nếu trên cây mai mỗi cành chỉ nở bung vài ba đóa lớn, trong khi tất cả những búp hoa khác đều no tròn, ửng màu xanh tươi mơn mởn, hoa lần lượt khoe sắc thắm trong những ngày xuân, báo hiệu điềm may sẽ dàn trải suốt năm.
Mai vàng thường nở hoa từ tháng chạp âm lịch đến hết tháng giêng. Muốn hoa mai nở đúng ngày tết, khoảng rằm tháng chạp âm lịch người ta thường vặt hết 1/3 số lá trên cành, hai ngày sau vặt tiếp 1/3 số lá nữa. Cây mai lúc này gần trụi hết lá, sẽ có nhiều nụ hoa bắt đầu xuất hiện, đồng thời những đóa hoa sau khi nở sẽ lâu tàn. Nếu cắt cành mai cắm vào bình hoa chứa nước, các cành sẽ nở rất nhanh.
Ở miền Bắc còn có một loại mai thường gọi là mai Bắc. Mai Bắc có họ gần với họ đào và họ mận, cùng họ Rosacees và có tên khoa học là Prunus Armeniaca. Lá mai miền Bắc dài, xanh mờ và xung quanh có viền răng cưa, hoa trắng nuốt, đôi khi có màu hồng nhạt.
Người xưa tôn hoa mai là bách hoa khôi. Cùng với tùng và trúc, mai làm thành bộ “tam hữu”. Sách Luận ngữ có câu: “ Ích giã tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn”, nghĩa là bạn hữu có ích gồm 3 loại: ngay thẳng, độ lượng và uyên bác, tương xứng với ba loại cây: Ngự sử mai, Trượng phu tùng và Quân tử trúc. Mai cũng đi kèm với lan, cúc, trúc để tạo thành tứ quý biểu tượng cho bốn mùa trong một năm là xuân, hạ, thu, đông.
Mang vẻ đẹp kiêu hãnh, hoa mai không chỉ được người người thưởng ngoạn, mà còn “bước vào” những áng văn thơ bất hủ. Thi hào Nguyễn Trãi đã từng viết về mai:
Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng
Hay, Đại Thi hào Nguyễn Du:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen
Cây mai ở bộ tách uống trà mà Nguyễn Du đề cập đến có vẽ cành mai uốn cong nở rất nhiều hoa và một con chim hạc đứng trên bờ đá. Bộ trà mang màu men xanh ngọc, có đề câu thơ chữ Hán “Hàn mai xuân tín tảo” (cành mai mùa lạnh báo tin xuân đến sớm).
Rất ít người biết chuyện Hồ Quý Ly nhờ câu thơ vịnh hoa mai nên được vua nhà Trần gả con gái và phong làm phò mã. Vị vua ra câu đối: Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế (Điện Thanh Thử có ngàn cây quế). Hồ Quý Lý liền đối: Quãng Hàn cung lý nhất chi mai (Cung Quãng Hàn có một cành mai). Hai vế đối này đi với nhau rất chỉnh. Chuyện hy hữu ở chỗ con gái vua Trần cũng có tên là Nhất Chi Mai, câu đối của Hồ Quý Ly ngẫu nhiên mà tương hợp với tên của công chúa, nên vua Trần bèn gả con gái cho ông. Sau này bà đã sinh hạ cho Hồ Quý Ly hai người con nổi danh là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương.
Nói đến hoa mai, cũng không thể không nói đến bài thơ về hoa mai của Mãn Giác thiền sư đời Lý:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Bài thơ không dừng lại ở việc ca ngợi vẻ đẹp hoa mai hay chỉ là một cảm xúc bay bổng, mà hàm chứa triết lý nhà phật cao sâu, một thế giới quan - nhân sinh quan sống động về quy luật của cuộc sống và thiên nhiên...
Sự rực rỡ của màu hoa mai trong những ngày tết với những lá non nảy lộc tươi mát, bao hàm ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng hạnh phúc, sung túc cho gia đình trong dịp đầu năm, mở đầu cho một vận hội mới.
Tú Ân
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)