Tết Songkran ở Thái Lan là một trong những lễ hội thu hút du khách - Ảnh: Reuters
Theo báo The Nation, các quan chức du lịch từ 10 nước ASEAN đã nhất trí tại một cuộc họp ở Philippines về việc giới thiệu chiến dịch quảng bá du lịch khu vực mang tên “ASEAN tuổi 50”.
Chiến dịch này được chính thức công bố ngày 21-1 tại Diễn đàn du lịch ASEAN diễn ra ở Manila. Trong quý đầu năm nay, ASEAN bắt đầu quảng bá tại Hội chợ du lịch quốc tế ở Đức.
Mục tiêu cho 10 năm
Theo The Nation, ASEAN sẽ quảng cáo 600 điều thu hút du khách và sẽ được chia ra 12 danh mục khác nhau theo dạng danh sách “top 50” kiểu như 50 thành phố tốt nhất, 50 khách sạn tốt nhất, 50 nhà hàng ngon nhất...
Bí thư thường trực Bộ Du lịch và thể thao Thái Lan Pongpanu Svetarundra cho biết mỗi thành viên ASEAN sẽ đề xuất các điểm đến và sản phẩm du lịch đặc sắc cho một ủy ban trung tâm. Ủy ban này sẽ tuyển lựa trước khi công bố 12 danh sách top 50 tại Đức.
Với chiến dịch này, các quan chức du lịch ASEAN kỳ vọng sẽ giúp tăng thu nhập cho ngành du lịch khu vực và nâng 15% tổng số lượt du khách đến ASEAN, từ 100 triệu lên 115 triệu lượt mỗi năm.
Tại cuộc họp ở Philippines, các quan chức cũng thông qua Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) trong 10 năm từ 2016 đến 2025.
Kế hoạch này nhắm đến việc vào năm 2025 tăng tuyển dụng trong ngành này từ 3% lên 7%, thời gian lưu trú của du khách sẽ kéo dài từ mức trung bình 6,3 ngày lên 8 ngày, số tiền chi tiêu bình quân cho mỗi chuyến du lịch sẽ tăng từ 900 USD lên 1.500 USD/du khách.
Hôm 19-1, Bộ trưởng du lịch của 10 nước ASEAN cũng đã ký một thỏa thuận thành lập ban thư ký khu vực để hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động ngành du lịch (MRA-TP). Ban thư ký này sẽ đóng tại Jakarta (Indonesia) và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay.
Trông chờ khối tư nhân
Theo Business World Online, với ATSP, khối tư nhân được cho là sẽ được đóng góp nhiều hơn. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA), bà Aileen Clemente giải thích: “Điều khác biệt lớn nhất mà chúng tôi hướng tới ở ATSP là sự tham gia rộng rãi hơn của khối tư nhân và nhiều thành tựu chuẩn mực hơn trong đó”.
Bà nói thêm rằng kế hoạch 5 năm trước đó, từ 2011-2015, vốn tập trung vào việc đi lại nội khối đã đặt nền móng cho việc quảng bá khu vực.
“Ước muốn của ASEANTA là được tham gia nhiều hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thị, bởi đến tận bây giờ chúng tôi cảm thấy rằng có những cơ hội chưa được khai thác mà khối tư nhân chúng tôi muốn tham gia” - bà Clemente bình luận.
Bên cạnh đó, các quan chức du lịch cũng cho hay ASEAN sẽ phải tập trung vào phát triển các khía cạnh khác như cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực, chuyển giao lao động, đưa ra thị thực đơn nhất cho tất cả các nước trong khối cũng như duy trì lượng khách đến từ các thị trường du lịch lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Dĩ nhiên tình trạng bất cân đối vẫn còn đó.
Theo Business World Online, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhìn nhận: “Trong khi Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam dẫn đầu trong ngành du lịch thì các nước còn lại trong khu vực, trong đó có Philippines, vẫn đang phải đuổi theo”.
Bản thân Philippines trong năm vừa qua được biết cũng đã nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, mở các điểm đến mới thông qua việc xây dựng hoặc nâng cấp các sân bay để đón nhiều du khách hơn.
Theo Manila Bulletin, ông Aquino gợi ý ASEAN nên cùng nhau đưa ra các gói du lịch bao gồm tất cả các nước thành viên để tăng cường quan hệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Cuối cùng, du khách sẽ đi du lịch dài hơi để có thể trải nghiệm Đông Nam Á, không chỉ trong phạm vi Philippines. Thăm viếng cả Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay các nước khác cũng có thể nằm trong lịch trình của họ” - ông giải thích về ý tưởng của mình.
Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc (UNWTO), tổng số lượt khách quốc tế đến ASEAN dự kiến sẽ tăng lên mức 123 triệu lượt vào năm 2020, lên 152 triệu lượt vào năm 2025 và 187 triệu lượt vào năm 2030. |
Nguồn: tuoitre.vn