Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Dự án EU Vũ Quốc Trí cho biết: Dự án EU có nhiều chương trình hỗ trợ đối với tỉnh Quảng Ninh nói chung và với vịnh Hạ Long nói riêng, bao gồm giúp hoàn chỉnh công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh; tăng cường chất lượng dịch vụ thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực; tác động vào xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm thông qua quy hoạch của tỉnh về phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý điểm đến bằng chiến dịch điều tra khách du lịch. Trong thời gian tới, Dự án EU cam kết phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh tăng cường hiệu lực quản lý điểm đến vịnh Hạ Long; triển khai các hoạt động lồng ghép với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh cũng như tiếp tục các chương trình hỗ trợ đào tạo…
Tại hội thảo, các chuyên gia của Dự án EU đã giới thiệu các kết quả điều tra du khách tại Hạ Long cũng như cung cấp các tư vấn và khuyến nghị về quản lý điểm đến, marketing và nguồn nhân lực du lịch. Kết quả điều tra đã cung cấp các số liệu và phân tích về cơ cấu khách, mục đích của du khách với chuyến đi, nguồn thông tin của du khách về điểm đến, hình ảnh của điểm đến đối với du khách, hoạt động của du khách tại điểm đến, nhu cầu và mức độ hài lòng của du khách tại điểm đến. Những số liệu này có ý nghĩa lớn trong việc tiếp thị, tổ chức, cung cấp các hoạt động và dịch vụ du lịch, là một trong những cơ sở để các bên liên quan hoàn thiện công tác quản lý điểm đến nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu và sự hài lòng của du khách.
Về công tác marketing, Hạ Long cần lập Kế hoạch hành động marketing trong đó có xây dựng và phát triển thương hiệu; chú trọng vào marketing kỹ thuật số; quan tâm mở rộng các tuyến tham quan mới nhằm kéo dài thời gian lưu trú; thành lập Cơ quan marketing điểm đến có sự tham gia của khối doanh nghiệp… Về vấn đề nguồn nhân lực du lịch, các chuyên gia Dự án EU kiến nghị Sở VHTTDL Quảng Ninh lặp lại và mở rộng đối tượng học các lớp tập huấn về du lịch có trách nhiệm mà Dự án EU đã hỗ trợ; mở thêm các lớp đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn du lịch; mở các lớp dạy cứu hộ, cứu nạn và đào tạo lái thuyền du lịch. Các chuyên gia cũng đề cao vai trò của Hiệp hội Du lịch, CLB tàu du lịch nghỉ đêm trong việc xã hội hóa đào tạo; đề cao vai trò trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long trong đào tạo nhân lực du lịch, với đội ngũ giáo viên đã được đào tạo theo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS)…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Sở VHTTDL Quảng Ninh giới thiệu tổng quan về Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được phê duyệt. Đây là tỉnh đầu tiên trên cả nước sử dựng tư vấn quốc tế cho Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Theo Quy hoạch, mục tiêu tổng quát của du lịch tỉnh là xây dựng Quảng Ninh thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng – an ninh.
PV